Trang:Cong bao Chinh phu 571 572 nam 2022.pdf/62

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
63
CÔNG BÁO/Số 571 + 572/Ngày 15-7-2022


Điều 89. Quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng.

2. Nội dung quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng gồm:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng;

b) Xây dựng chính sách về thi đua, khen thưởng;

c) Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng;

d) Đào tạo, bồi dưỡng người làm công tác thi đua, khen thưởng;

đ) Thẩm định hồ sơ trình xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng;

e) Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng và trong hệ thống thi đua, khen thưởng, xây dựng cơ sở dữ liệu về thi đua, khen thưởng;

g) Phát động, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua, xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; đánh giá hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng;

h) Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng;

i) Giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng;

k) Hợp tác quốc tế về thi đua, khen thưởng.

Điều 90. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng

1. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương là cơ quan tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng.

2. Thành phần Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương gồm Chủ tịch Hội đồng là Thủ tướng Chính phủ, các Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên khác là đại diện lãnh đạo một số cơ quan của Đảng ở trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội.

Chủ tịch Hội đồng quyết định cụ thể thành viên Hội đồng.