Trang:Cong bao Chinh phu 695 696 nam 2019.pdf/20

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
21
CÔNG BÁO/Số 695 + 696/Ngày 01-9-2019


Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

1. Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;

2. Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;

3. Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Điều 85. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh

Các thông tin bí mật sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa bí mật kinh doanh:

1. Bí mật về nhân thân;

2. Bí mật về quản lý nhà nước;

3. Bí mật về quốc phòng, an ninh;

4. Thông tin bí mật khác không liên quan đến kinh doanh.

Chương VIII
XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CÔNG NGHIỆP ĐỐI VỚI SÁNG CHẾ, KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP, THIẾT KẾ BỐ TRÍ, NHÃN HIỆU, CHỈ DẪN ĐỊA LÝ

Mục 1
ĐĂNG KÝ SÁNG CHẾ, KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP, THIẾT KẾ BỐ TRÍ, NHÃN HIỆU, CHỈ DẪN ĐỊA LÝ

Điều 86. Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí

1. Tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:

a) Tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;

b) Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Chính phủ quy định quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước.