Trang:Cong bao Chinh phu 777 778 nam 2018.pdf/17

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
19
CÔNG BÁO/Số 777 + 778/Ngày 15-7-2018


3. Bản đồ là mô hình khái quát thể hiện các đối tượng địa lý ở tỷ lệ nhất định, theo quy tắc toán học, bằng hệ thống ký hiệu quy ước, dựa trên kết quả xử lý thông tin, dữ liệu từ quá trình đo đạc.

4. Hoạt động đo đạc và bản đồ là việc đo đạc các đối tượng địa lý; xây dựng, vận hành công trình hạ tầng đo đạc, cơ sở dữ liệu địa lý; thành lập bản đồ, sản xuất sản phẩm đo đạc và bản đồ khác. Hoạt động đo đạc và bản đồ bao gồm hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản và hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành.

5. Mốc đo đạc là mốc được xây dựng cố định trên mặt đất theo quy chuẩn kỹ thuật dùng để thể hiện vị trí điểm đo đạc. Mốc đo đạc bao gồm mốc đo đạc quốc gia và mốc đo đạc cơ sở chuyên ngành.

6. Hệ tọa độ quốc gia là hệ tọa độ toán học trong không gian và trên mặt phẳng, được thiết lập theo mốc thời gian xác định và sử dụng thống nhất trong cả nước để biểu thị kết quả đo đạc và bản đồ.

7. Hệ tọa độ quốc tế là hệ tọa độ toán học trong không gian và trên mặt phẳng, được thiết lập theo mốc thời gian xác định và sử dụng phổ biến trên thế giới để biểu thị kết quả đo đạc và bản đồ.

8. Hệ độ cao quốc gia là hệ độ cao được thiết lập theo mốc thời gian xác định và sử dụng thống nhất trong cả nước để xác định giá trị độ cao của đối tượng địa lý.

9. Hệ trọng lực quốc gia là hệ trọng lực được thiết lập theo mốc thời gian xác định và sử dụng thống nhất trong cả nước để xác định các giá trị trọng trường Trái Đất trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

10. Trạm định vị vệ tinh là trạm cố định trên mặt đất dùng để thu nhận tín hiệu định vị từ vệ tinh, xử lý, truyền thông tin phục vụ hoạt động đo đạc và bản đồ.

11. Hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc là khoảng không, diện tích mặt đất, dưới mặt đất, mặt nước, dưới mặt nước cần thiết để bảo đảm công trình hạ tầng đo đạc hoạt động đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật khi xây dựng.

12. Bản đồ địa hình là bản đồ thể hiện đặc trưng địa hình, địa vật và địa danh theo hệ tọa độ, hệ độ cao, ở tỷ lệ xác định.

13. Hệ thống bản đồ địa hình quốc gia là tập hợp bản đồ địa hình trên đất liền, đảo, quần đảo và bản đồ địa hình đáy biển được xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, dãy tỷ lệ quy định, trong hệ tọa độ quốc gia và hệ độ cao quốc gia để sử dụng thống nhất trong cả nước.