Trang:Cong bao Chinh phu 861 862 nam 2015.pdf/52

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
53
CÔNG BÁO/Số 861 + 862/Ngày 25-7-2015


Điều 42. Trình tự kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn xuất khẩu

1. Hồ sơ kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu bao gồm:

a) Đơn đăng ký kiểm dịch;

b) Yêu cầu vệ sinh thú y của nước nhập khẩu hoặc chủ hàng (nếu có);

c) Mẫu Giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu (nếu có).

2. Việc kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu được thực hiện theo trình tự sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân khi xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch nộp hồ sơ đăng ký kiểm dịch quy định tại khoản 1 Điều này cho Cục Thú y;

b) Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cục Thú y quyết định và thông báo cho tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm dịch về địa điểm, thời gian kiểm dịch;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày bắt đầu kiểm dịch, nếu đáp ứng yêu cầu kiểm dịch, Cục Thú y cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch; trường hợp kéo dài hơn 05 ngày làm việc hoặc không cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch phải thông báo, trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trường hợp nước nhập khẩu không yêu cầu kiểm dịch thì thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật này.

Điều 43. Phân tích nguy cơ động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu

1. Động vật, sản phẩm động vật có trong Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải phân tích nguy cơ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam phải được phân tích nguy cơ.

2. Cục Thú y tổ chức thực hiện phân tích nguy cơ trên cơ sở thông tin do cơ quan có thẩm quyền về thú y của nước xuất khẩu cung cấp và các nguồn thông tin có liên quan khác.

3. Căn cứ kết quả phân tích nguy cơ, Cục Thú y quyết định việc nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật.

Điều 44. Yêu cầu đối với động vật, sản phẩm động vật trên cạn nhập khẩu

1. Đối với động vật:

a) Khỏe mạnh; xuất phát từ vùng, cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc không có bệnh nguy hiểm theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới và Việt Nam;

b) Có Giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y của Việt Nam.