Trang:DaiVietsukytoanthu1.pdf/138

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
140
NGÔ SĨ LIÊN

sỏ làm những việc ngặt-nghèo, tàn-ác; kén các quan lại tốt cho coi việc các quận, huyện. Thế là trăm họ được yên. Phố-phường vì chuyện ấy có câu hát rằng:

« Ông Giả sang muộn!
« Trước ta lộn-xộn!
« Giờ thấy thanh-bình,
« Chả dám lại nhộn! »

Tung coi việc ba năm, triệu về cho làm Nghị-Lang và cử Lý-Tiến lên thay. — Lý-Tiến là người châu Giao ta.[1]

Bính-Dần, năm thứ ba hiệu T. B. bên H. (186).

Lê văn Hưu bàn rằng:

Xem sử đến hồi nước Việt ta vô-chủ, bị những viên thứ-sử Tầu không có nết thanh-liêm làm cho khốn đốn; đất Bắc-kinh xa thẳm, không còn kêu đâu được! bất-giác trong lòng vừa cảm, vừa thẹn! Muốn bắt-chước như Minh-Tông đời Hậu-Đường, mong đem tấm lòng thành trong-trắng, thắp hương khấn Trời, xin Trời vì nước Việt ta, sớm sinh ra bậc thánh-nhân để tự làm vua nước mình, cho khỏi cái nạn người Tầu bóc-lột!..

Trở lên thuộc về Hán từ Quý-Mão đến Bính-Dần gồm 144 năm.


  1. Lời phê của vua T. Đ: « Xem đây biết đời Hán thật nhiều hiền tài, đời sau không thể sánh-kịp. Khi ấy chưa có khoa-mục, mà được người đông đến như thế! Càng thấy rõ cái danh lý-học của khoa-mục, nào có gì thêm ích cho việc trị nước! » (K. Đ. V. S. cuốn II) Những nhân-tài đời Hán là do các làng, các huyện tiến-cử lên. Đôi khi nhà-vua cũng hạ-chiếu cần người, đem thời-sự mà hỏi. Khi ấy ai cũng có quyền dâng thư đáp lại các câu hỏi của nhà-vua. Những thư ấy gọi là « đối sách ». Nhà-vua sẽ lựa trong các người dâng đối-sách ấy mà cất làm quan).

    « Giả-Tung..., nguyên trước được cử là hiếu-liêm (người có hiếu và liêm-khiết), sau cất làm Doãn đất Kinh-Triệu, có tài chính-trị...

    « Ngô-Thời-Sĩ bàn rằng: Xét sử Hán có chép: « Cuối đời Hán, có người quê ở Thượng-Ngu, quận Cối-Kê, tên là Mạnh-Thường, làm Thái-Thú quận Hợp-Phố. Quận ấy không sinh-sản thóc-gạo, nhưng biển thì sẵn các thứ châu-báu. Liền cõi với Giao-Chỉ thường đem sang bán để mua lương-thực. Khi trước các viên Thú, Lệnh, phần nhiều tham-tàn, ép dân mò kiếm không ngần: châu-báu dần-dần dời sang đất quận Giao-Chỉ!... Thường đến quận, bỏ dứt các tệ trước. Hơn năm, châu-báu đi lại trở về!... Trăm họ đều yên nghiệp làm ăn, coi là bậc thần-minh!... » Than ôi! ​Nếu trong các quận, các viên quan chăn dân đều là Mạnh-Thường cả, thì dân ta có tội gì mà nổi loạn? » (K. Đ. V. S. cuốn II) (Đây tức là điển Châu về Hợp Phố)