Phù đương làm Thứ-sử, chứ Lý-Tiến không còn làm nữa. Việc này chắc chép lầm năm. — Theo Bách-Việt Tiên Hiền chí; « Lý-Tiến người ở Cao-Hưng, quận Giao-Chỉ. Sáng suốt hiểu thông Kinh, Truyện, được bổ làm Công-tào trong quận; thăng mãi đến chức Kỵ-đô-úy. Năm thứ 2 hiệu Vĩnh-Hòa, dân Mán ở Kinh-châu (Hồ Bắc) làm phản. Cho Tiến làm Thái-thú Linh-Lăng, đánh phá được. Trong khoảng Trung-Bình, thay Giả-Mạnh-Kiên làm Thứ sử Giao-chỉ, tâu xin cho Giao-chỉ cũng được theo lệ « cống-sĩ » như các Trung-châu. Sau Nguyễn Cầm (tức Lý-Cầm cũng người Giao-châu) do chân mậu-tài làm quan đến Tư-Lệ Hiệu-Úy. Nhân tài Giao-Chỉ được cùng tuyển với các Trung-châu, thực bắt đầu từ Tiến »...
(4) Về đời Hán, chưa có khoa-cử. Hằng năm các quan địa phương, kén những người trong hạt mình cai-trị, ai có tiếng là hiếu và liêm, thì cho vào hạng hiếu-liêm; ai học hành giỏi giang thì cho vào hạng mậu-tài; biên lấy tên họ, dâng về Triều-đình, gọi là « Cống-sĩ » (dâng nộp các kẻ sĩ). Khi dùng người, Triều-đình cứ theo đó mà lựa dùng. Nếu cống-sĩ không phải người xứng đáng thì các quan địa-phương có lỗi.
(5) Xét theo Lĩnh-Nam Di-thư thì: « Trương-Trọng người ở Hợp-Phố, chăm học, khéo nói, là kẻ sĩ có danh-vọng ở Lĩnh-Nam. Thứ-sử cất lên làm việc trong quận Nhật-Nam, đem sổ vào Lạc-