Trang:DaiVietsukytoanthu1.pdf/29

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.

CUỐN THỨ NHẤT

Triều-Liệt Đại-Phu, Tư-nghiệp trường Quốc-tử-giám, Kiêm Tu-soạn trong Sử-Quán, tôi, Ngô-Sĩ-Liên chép.

Xét ra: đời Hoàng-đế dựng ra muôn nước,[1] lấy nước Giao-Chỉ là ở cõi Tây-Nam xa ở ngoài Bách-Việt 百粵[2] Vua Nghiêu sai họ Hy ở Nam-Giao[3] định đất Giao-chỉ ở phương Nam Vua Đại Vũ chia chín châu, thì Bách-Việt là đất châu Dương giao chỉ thuộc vào đấy[4]. Đời Thành-Chu mới xưng là họ Việt-Thường 越裳. Tên Việt bắt đầu từ đời ấy.


  1. « Hoàng-Đế, một ông vua đầu tiên ở nước Tầu. Theo các sách sử cổ, thì số các nước Chư-hầu ở Tầu về đời ấy là một muôn. Kỳ-thực thì những nước ấy chỉ là những bộ-lạc. So với địa-dư hiện nay, có khi một nước hồi ấy chỉ gồm có một làng ngày nay! Câu « Hoàng-Đế dựng ra muôn nước » chỉ là một ức-thuyết vô-lý của các nhà viết sách đời sau. Ông vua ấy, nếu quả có, chỉ là tù-trưởng của một bộ-lạc văn-minh hơn mà được các tù-trưởng khác bầu lên ngôi Thiên-Tử. Nào phải như các vua đời sau, đánh Đông, rẹp Bắc, rồi chia đất phong cho tôi-tớ và con em! Như vậy, làm gì có việc dựng ra muôn nước?
  2. Trong các sách, không có gì là chứng-cớ tỏ ra rằng về đời Hoàng-Đế, người Tầu đã biết đến Giao-chỉ cả. Trong câu này, họ Ngô đã lầm. Ấy là do ở tính hay suy-lý mà thường suy-lý một cách cẩu thả của các nhà nho.
  3. Trong kinh Thượng Thư, thiên Nghiêu-điển, chép về công-việc đời vua Nghiêu, có nói: «... Lại sai Hy-Thúc ở Nam-giao,...; ​Kính xét ngày dài nhất năm và sao Hỏa giữa trời vào chập tối, để chính ngày giữa Hè (Hạ-chí)... » Chữ « Nam-giao », Sái-Trầm đời Tống chua nghĩa là « đất Giao-Chỉ ở phương Nam ». Theo ý kẻ dịch thì nghĩa ấy nhầm: Nam-Giao chỉ có nghĩa là cánh-đồng phía Nam. Đất Giao-chỉ đến đời Tần còn phải sai tướng sang đánh mới chiếm lĩnh nổi. Ở đời Nghiêu, hơn một nghìn năm trước đời Tần, giao-thông chắc còn khó khăn hơn, đâu có lẽ đã phái quan sang ở đó được! Sách Thông chí của Trịnh-Tiều có chép: « Về đời Đạo-Đường, phương Nam có họ Việt-Thường, dùng người thông ngôn hai lần đến chầu dâng rùa thần, chừng nghìn tuổi, vuông hơn ba thước, lưng có chữ theo lối chữ khoa-đẩu (nét chữ như hình nòng-nọc), chép từ khi mở ra Trời, Đất trở về sau. Vua Nghiêu sai sao lấy, gọi là lịch rùa. » Theo vào truyện ấy, sách sử « Cương-Mục Tiền-Biên » của Kim-Lý-Tường lại bịa thêm truyện đó là vào năm Mậu Thân, năm thứ năm đời vua Nghiêu! Sử-thần đời Tự-Đức lại nhặt lại mà chép vào bộ « Khâm-Định Việt-Sử » để làm việc đầu tiên mà nước ta giao-thiệp với Tầu. Kỳ-thực thì ta chỉ nên coi đó là một truyện mà Trịnh-Tiều nặn ra bằng trí tưởng-tượng!
  4. Cả câu này đều không căn-cứ. Bởi một lẽ là đất Giao-chỉ không hề ở trong phạm-vi chín châu của Tầu, Châu Dương hồi vua Đại-Vũ chỉ ​gồm địa-phận An-Huy, Phúc-Kiến ngày nay mà thôi.