Trang:DaiVietsukytoanthu1.pdf/62

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
64
NGÔ SĨ LIÊN

dựng tượng gọi là đền Lý Hiệu-úy. Đền ấy ở xã Thụy-Hương (Trèm) huyện Từ-Liêm[1]

Đinh-Hợi, năm thứ bốn mươi tư, — năm thứ 31 đời Tần-Thủy-hoàng (216 trước T. L.) — Vua Tần bắt các kẻ trốn lẩn ở các đạo, các kẻ ở rể các lái buôn, dùng làm lính; sai Hiệu-úy là Đồ-Thư đem những quân chèo thuyền lầu; sai Sử-Lộc đào sông để vận lương; cùng vào sâu miền Lĩnh-Nam chiếm lấy đất Lục-Lương, đặt ra các quận Quế-Lâm — huyện Minh-Quý thuộc Quảng-Tây ngày nay —; Nam-Hải — Quảng-Đông —; Tượng-Quận — An-Nam.[2] Lấy Nhâm-Ngao làm Úy Nam-Hải; Triệu-Đà làm Lệnh Long-Xuyên — một huyện thuộc về Nam-Hải; cùng lĩnh những quân bị đầy, bị đồ, năm mươi vạn người, sang đóng miền Ngũ-Lĩnh.[3] Ngao và Đà liền mưu việc lấn nước ta. — Kẻ ở rể (chuế-tế) là những con trai không có tiền của, đem thân đến gửi nhờ nhà vợ, khác nào cái tật, cái bướu ở mình chúng ta, nó là những cục thịt thừa! (chuế nghĩa là thừa). — Người Lĩnh Nam thường ở đất núi (sơn lục), tính họ bướng-bỉnh (cường lương), nên gọi là « Lục-Lương ».
Tân-Mão, năm thứ bốn mươi tám — Năm thứ 37 đời T. T. h (212 tr. T. L.) mùa Đông,


  1. « Nguyên Lý-Ông-Trọng mình dài hai trượng ba thước, khí chất đứng-đắn, trì-trọng, khác với người thường. Lúc nhỏ làm huyện-lại, bị viên đốc-bưu đánh đòn, thở dài mà rằng: « Làm kiếp người mà chịu thế này sao? » Bèn vào Trung-quốc, học sử-sách, làm quan ở với Tần... Tần cho là đềm lành. v. v... » (An-Nam-Chí của C. H. Trưng). Đại-Thanh Nhất-Thống-Chí, Quảng-Dư-Ký của Lục-Bá-Sinh. đều chép là Nguyễn Ông-Trọng. — Lâm-Thao, nay là phủ, thuộc Thiểm-Tây.
  2. « Khi ấy nhà Tần hám đất Việt nhiều châu-ngọc, muốn chiếm làm quận, huyện. Bèn lấy các kẻ trốn lẩn, các kẻ ở rể, các con buôn ở các đạo, làm lính... Sai Hiệu-Úy là Đồ-​Thư đem quân ấy. Sử-Lộc thì đào ngòi vận lương. Cùng vào sâu Lĩnh-Nam, cướp lấy đất Lục-Lương, đặt ra Quế-Lâm, Nam-Hải, Tượng-Quận. Cho bọn bị-đầy, bị đồ đóng giữ. Người Việt đều trốn vào rừng rú, không ai chịu để cho người Tần dùng. Ngầm đặt các người giỏi giang làm tướng, đánh người Tần, giết Hiệu-Úy là Đồ-Thư » (K. Đ. V. S. cuốn I) — « Sử-Lộc, tổ tiên nó người Việt. Khi ấy Tần đánh Bách-Việt, sai Hiệu-úy Đồ-Thư lấy lính chia làm năm quân; sai Lộc vận lương: đào cừ cho thông đường chở lương. Lộc bèn từ Dương-Sơn (thuộc Phiên-Ngu) khoi nguồn nước, lấy giòng Bắc sông Tương dập vào sông Sở-Dong làm thành đoạn dưới sông Tường-Kha cho Nam chẩy vào Biển. Việc vận lương khó nhọc, bèn liệu thế làm kè để dẫn nước chẩy ngược ở giữa đám cát-sỏi: Xếp đá làm máng, bắt cho nước sông Tương chẩy rót vào, đi ngược sáu mươi dậm. Đặt ba mươi sáu cửa ngăn. Thuyền vào ngăn nào thì đóng cửa cống ngăn nấy cho nước chứa dần đầy. Cho nên có thể lên được ghềnh cao; xuống được thác dốc... Đā thông thuyền bè, lại lợi cho việc tưới ruộng. Gọi là « cừ-thiêng ». (Lĩnh-Nam Di-Thư của Âu-Đại-Nhâm). « Cừ của đời Tần đào ở cách phía Nam huyện Hưng-Yên, (nay thuộc Quế-châu) hai mươi dậm, gốc từ sông Ly, ở chỗ phía Bắc núi Giá; Tây-Bắc chẩy tới Huyện; Tây-Nam hợp với ​Linh-Cừ năm dậm rồi mới chia làm hai dòng. Xưa Tần sai Ngự-sử là Giám-Lộc đào cừ ấy từ Linh-Lăng tới Quế-Lâm. » (Thái-bình Hoàn-vũ ký). — « Đất cũ Bách-Việt: Từ Thủy-Hoàng-đế nhà Tần gồm có thiên-hạ, phá núi thông đường, lược-định đất Dương-Việt đặt làm Nam-Hải, Quế-Lâm, Tượng-quận. Quảng-Tây ngày nay là Quế-Lâm đời Tần; Quảng-Đông: Nam-Hải đời Tần; Giao-Chỉ: Tượng-quận đời Tần. Hán Vũ-Đế bình Nam-Hải, chia Quế-Lâm của Tần làm đôi là Uất-Lâm và Thương-Ngô; chia Tượng-quận làm ba là Giao-Chỉ, Cửu-Chân, Nhật-Nam; lại cắt ít đất thừa của Nam-Hải, Tượng-quận đặt làm quận Hợp-Phố. Rồi từ huyện Từ-Văn vượt bể cướp lấy hai quận Châu-Nhai, Đam-Nhĩ ở đảo Hải-Nam. Đặt Thứ-sử ở Giao-Châu. Hán chia ra chín quận, so với Tần coi như là nhiều. Nhưng thống-trị nó thì có một viên Thứ-sử châu Giao mà thôi. Đến Ngô mới chia làm hai. Từ đó mới lập có tên Giao và Quảng. Khi ấy Giao thì phủ đóng ở Long-Biên, Quảng thì ở Phiên-Ngu. Khuôn-phép cũng như đời Hán, chỉ có soái-phủ là thay chỗ mà thôi. Đường Cao-Tông mới đặt An-Nam Đô-Hộ-phủ ở Giao-Châu. Trong đời Hoàng-Hựu triều ta (Tống) đặt chức An-phủ-kinh-lược ở Quế-Lâm. Soái-phủ miền Tây bắt đầu từ đấy. Tới nay Bát-Quế, Phiên-Ngu, Long-Biên, đứng sóng nhau như chân vạc, lại trở lại như đời Tần ​xưa ». (Lời đáp thay về đất ngoài Ngũ lĩnh của Chu-Khứ-Phi đời Tống).
  3. Long-Xuyên, nay là đất Tuần-Châu. (K. Đ. V. S. cuốn I) — « Ngũ-Lĩnh là: Đỉnh Đài-Lĩnh ở Đại Dữu, ấy là ngọn thứ nhất trong Ngũ-Lĩnh; đỉnh Kỵ-Điền ở Quế-Dương, ấy là ngọn thứ hai; đỉnh Đô-Bàng ở Cửu-Chân, ấy là ngọn thứ ba; đỉnh Mạnh-Chử ở Lâm-Hạ, ấy là ngọn thứ tư; đỉnh Việt-Thành ở Thủy-An, ấy là ngọn thứ năm » (Nam-Khang ký của Đặng-Đức-Minh). « Ngũ-Lĩnh là Đại-Dữu, Thủy-An, Lâm-Hạ, Quế-Dương, Yết-Dương, đều ở trong cõi hai tỉnh Quảng » (Quảng-Châu ký của Bùi-Uyên) Phương-Dĩ-Trí nói: « Cửu-Chân xa quá! Nên lấy thuyết sau là phải ». Chu-Khứ-Phi nói: « Từ đời Tần mới có chuyện Ngũ-Lĩnh, đều chỉ vào tên núi. Xét ra thì là đường vào Lĩnh-Nam có năm lối mà thôi, không hẳn đã là núi cả. Vậy: một là lối từ Đinh-Châu ở Phúc-Kiến vào Tuần-Mai ở Quảng Đông; hai là lối từ Nam-An ở Giang-Tây qua Đại-Dữu vào Nam Hùng; ba là lối từ Tham-Châu ở Hồ-Nam vào Liên Châu; bốn là lối từ Đạo-Châu vào Hạ-Châu ở Quảng-Tây; năm là lối từ Toàn-Châu vào Tĩnh-Giang ». (K. Đ. V. S. cuốn I)