Trang:Dai guong kinh.pdf/18

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 16 —

Ăn mặc ai không muốn đẹp, nhưng có sao nên vậy, quý hồ lành sạch rách thơm; chớ theo đòi những thói xa-hoa, túng thời khổ mẹ phiền cha, thừa chăng nữa cũng ra người đàng-điếm. Dáng-dấp ai không muốn xinh, nhưng cũng phải thời thôi, cốt được đầu quang mặt sạch; chớ ưa thích những tuồng ve vuốt, một nữa mất công mất việc, hai sợ chăng ra lối kẻ trai-lơ. Ăn nói lấy êm-ái làm hay, ít nhời làm quý; chớt-nhả đã ra người không chính, mà điêu-toa mách-lẻo, vạ miệng có ngày. Mua bán lấy thực-thà làm trọng, sành-sỏi làm hơn; vụng dại thời chuốc lấy của ôi, mà giả-dối tham-lam, đạo giời không chứng. Ở trong nhà theo đường nền-nếp, dù lúc vắng lúc đông cũng vậy, chớ quen thân đứng ưỡn ngồi lê. Đi ra đường giữ cách nghiêm-trang, dẫu ai cười ai nói mặc ai, tự mình chớ nhìn ngang liếc rẽ. Cờ bạc mê tha là sự xấu, muốn sạch thân thời lánh cho xa. Bạn-bè nhiều lắm dễ sinh hư, giữ nết phải liệu người mà trọn.

Tính-hạnh làm cho người ta có phẩm-giá, mà cũng làm cho người ta mất phẩm-giá. Sợ thay!

Phương-ngôn: Cái nết đánh chết cái đẹp.

NÓI VẬT-LÝ. — Cái nết xấu, không cứ giống gì, ai cũng phải khinh ghét.

Xem như loài chim: con cuốc hay kêu mà người ta thương là nó không có tội; con quạ cũng hay kêu mà người ta phải đuổi, bởi tiếng nó coi là một điềm xấu. Con chim oanh đẹp mà người ta yêu, là nó hót cũng hay; con dẻ-cùi cũng đẹp mà không ai dám nuôi, bởi tính nó hay ăn bọ-nét. Vật còn thế, huống chi người.