Trang:Dai guong kinh.pdf/44

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 42 —

« Ai bảo thiếp không chồng?
« Thiếp còn được thấy chồng đương chết.
« Ai bảo thiếp không con?
« Vợ lẽ đẻ con cũng như thiếp.
« Con đọc sách,
« Thiếp dệt gai;
« Đêm đêm tiếng quạ kêu ngoài buồng không.
« Con đã làm nên, thiếp đứng hóa;
« Hồn ai chín suối yên chăng tá? »

B. — Đời Lê, một quan tương-quân là ông Ngô-cảnh-Hoàn, đánh nhau với quân Tây-Sơn, chết ở bến Thúy-Ái. Tin báo về đến nhà, cả nhà thương khóc, duy người vợ lẽ là Phan-thị-Thuấn, tuổi mới ngoài hai mươi, người đẹp, chưa có con; nghe tin, cứ tự-nhiên như thường. Đến khi làm lễ trăm ngày xong, Nàng ấy ăn mặc rất trang-điểm, sai bơi thuyền ra chỗ chồng tử-trận, dìm mình để chết theo. Dân sở-tại đấy là làng Thúy-Ái huyện Thanh-Trì có lập đền lên thờ. Đến đời vua Tự-Đức ta có ban sắc phong là “Tiết-nghĩa-phu-nhân” và sai dựng bia đá.

Đền bà Phan-thị có nhiều bài thơ hay của các quan tầu, quan ta đề vịnh, nhưng đều là chữ nho, nên không tiện chép. Nay kính phụng một bài thơ, luật tầu, chữ quốc-văn:

Chồng trung cho thiếp mới nên trinh;
Nửa vị giang san, nửa vị tình.
Mặt phấn môi son, lòng nước biếc;
Gan vàng dạ ngọc, đá bia xanh.
Sô gai thiên-hạ âu thừa nhỉ;
Gió bụi nhân-gian chẳng bợn mình.
Qua lại thuyền ai sông Thúy-Ái,
Còn chăng sóng gợn với hương thanh?»