Trang:Dong Duong xua va nay.pdf/88

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được phê chuẩn.
84
 

những xứ ở Đông-phương, nên đã mở nhiều trường học như là nhà trường trứ-danh Công-tăng-ti-ninh (collège Contantinien) ở nước Xiêm. Nhà trường này đến sau vì nước Xiêm bị suy-đồi nên mới di đến Bô-năng. Chính ở đây mà ông Trương-vĩnh-Ký là người Nam-kỳ học tập. Vị kỳ-nhân này đã được nhiều nhà bác-sĩ nước Pháp tôn-trọng. Ông Trương thật là một cái gương sáng để tỏ ra rằng sự giáo-dục nước Pháp gốc ở cái nền móng cao-thâm trong văn-hóa Tây-phương, có thể hóa một người An-nam thông-minh ra thế nào vậy.

Nhưng khốn thay về thời-kỳ ấy chỉ có ông Trương-vĩnh-Ký là một vị khác thường mà thôi.

Tiến-bộ về đường khoa-học.

Việc trước nhất mà người Pháp hăm hở muốn làm ở xứ này là việc lập thành một khoa-học An-nam, nghĩa là việc học tất cả những cái gì thuộc về xứ này, và những nhân-dân ngày xưa và ngày nay ở trong xứ.

Khi chinh-phục được xứ này xong, những quan binh và những nhà thám-hiểm chăm-chỉ về việc nghiên-cứu địa-dư trong xứ. Những ông này lại trải biết bao những nỗi khó-khăn vất-vả mới đi tới những miền mà từ xưa không có một người An-nam nào dám mạo-hiểm đến cả. Năm 1899 dựng ra sở họa-đồ, những công việc của sở này làm ra thật là một việc rất quan-trọng cho cõi Đông-dương. Những địa-đồ của sở này làm ra làm cho ta biết cả những nơi hẻo-lánh trong xứ và dần dần giúp vào sự chinh-phục tạo-vật.

Rồi thì đến việc dựng sở địa-chất-học[1] để nghiên-cứu về việc đất cát. Những công việc của sở này làm cho nhiều nhà bác-học ở hoàn-cầu phải ngợi khen. Bảo-tàng-viện[2] của sở này thật là một cái bảo-tàng-viện trứ-danh ở Á-đông.

Trường Viễn-đông-bác-cổ thật làm cho ta có một cái thế-lực lớn trong các xứ ở cõi Viễn-đông vậy.

Nhà thư-viện của trường này ở Hà-nội có danh-tiếng trong hoàn-cầu là đã siu-tập được nhiều những đồ vật thuộc về các dân-tộc cổ và kim ở Đông-dương, ở nước Tàu, ở nước Nhật, ở Tây-tạng, ở Ấn-độ, và ở nhiều xứ khác trong cõi Á-đông.

Trường Viễn-đông-bác-cổ đã dựng ra và quản-đốc những bảo-tàng-viện ở Hà-nội, ở Hàn và ở Nam-vang. Ở những bảo-tàng-viện này đã thâu-nhặt, đã phân-loại và bảo-tồn những đồ mỹ-thuật, những đồ cổ ở Đông-dương và những đồ vật của những dân-tộc ngày nay đã tiêu-diệt[3] đi rồi.

  1. Địa-chất-học = môn học về những tính chất trong đất.
  2. Bảo-tàng-viện = nơi để những đồ vật về mỹ-thuật hay là về khoa-học.
  3. Tiêu-diệt = mất đi rồi.