Năm 1884, ông Nguyên-soái nước Lang-sa tên là Cô-bê (Amiral Courbet), kéo quân lên đánh tỉnh Sơn-tây, thì quan Tầu là ngươi Đường-cảnh-Tùng và ngươi Lưu-vĩnh-Phúc thua chạy. Rồi lại đem tầu sang đánh tỉnh Phúc-châu, cũng là chiếm được.
Năm 1885, nước Lang-sa lại kéo sang đánh tỉnh Bắc-ninh, thì quan Tầu là ngươi Từ-diên-Húc bỏ thành mà chạy. Từ đó trong hai năm giời, khi thì nước Lang-sa lấy được tỉnh Lạng-sơn, khi thì nước Tầu thu tỉnh Lạng-sơn lại, cũng chẳng qua chỉ dành nhau cái sự bảo-hộ nước ta mà thôi. Đến khi nước Tầu biết rằng không có thể địch được Lang-sa nữa, thì chịu nhượng nước Lang-sa là nước bảo-hộ ta, mà nước Lang-sa thì giả Phúc-châu lại cho Tầu. Cái hòa-ước này ký ở Thiên-tân. Từ đó cái ấn nước Tầu đã phong cho ta, thì nộp lại cho nước Lang-sa, mà ông Tường ông Thuyết, không còn trông mong về sự nước Tầu cứu viện nước ta vậy. Lúc bấy giờ quân nước Lang-sa đã đóng ở trấn Bình-đài, mà hai ông ấy còn chắc rằng có thể đánh được; đặt ra làm quân phấn-nghĩa, tập lính ở vườn Hậu-bô, rồi lại chuyên tàng của cải ra đồn Lao-bảo để làm đường hậu đạo ngày sau.
Năm 1885, ông Toàn-quyền tên là Cô-si, (Général de Courcy) kéo quân vào Huế, chỉ là có ý trừ khử những kẻ quyền-thần mà thôi. Nên chi ông Tường ông Thuyết làm sự bạo nghịch, sợ rằng nước bảo-hộ không dung, mới gây việc ra đánh trước. Khi quân ta đã phải thua rồi, ông Tường thì chạy sang nhà Sứ mà thú; ông Thuyết đem vua Hàm-nghi ra chạy. Sau lại nhà-nước bảo-hộ xét ra cái lỗi ấy, bởi tại hai người, ông Tường đã phải đầy, mà ông Thuyết cũng bỏ nước mà chốn chạy vậy.