Trang:Giấc mộng lớn.pdf/32

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
— 32 —

hoặc cho chúng. Lại đứng ở trước chỗ chòm cây, trông ra mặt bể, thời đồng rộng bao la, cận-sơn viễn-sơn, trùng trùng mặn nhạt. Nghĩ cho địa-lý không đáng tin là có, mà cũng chưa hẳn nên vội bảo là không vậy.

Về Phú-phong. lại xem qua chỗ ươm dệt, rồi trở ra Bình-định. Từ ở Phú-phong ra Bình-định, lại ngồi chung một xe với ông bạn bạn-hành. Dọc đường, có một người mặc áo the, đội nón long, cưỡi ngựa, khi đi trước, khi đi sau. Lại một người nữa đi xe đạp, mặc áo ngắn vải vàng, cũng đi trước đi sau như vậy. Gần hết hạt Bình-khê, sang địa-phận An-nhân, lại gặp hai cái xe, cả đàn-bà đàn-ông, tức là bọn ca Huế ở hàng cơm còn thiếu tiền chưa giả, nhân cùng quay về cả Bình-định, tiền xa hậu mã. diễn thành tấn kịch phong-lưu. Mình hôm ấy về đến tỉnh Bình, đi xe thẳng vào nghỉ dinh quan Bố.

Quan Bố-chính Bình-định, là một người hán-học có danh tiếng. Mình được biết từ khi ở Hà-nội, ngài mới về cung chức trong khoảng vài ba hôm. Tha hương ngộ cố-tri, người đời xưa cũng lấy làm một sự khả-hỷ. Tối hôm ấy nghỉ nhờ ở trong dinh quan Bố. Sáng hôm sau, theo quan Bố sang dinh quan Tổng-đốc. Buổi trưa, quan Bố cho một người lính đem áo nỉ cùng đi với mình về Qui-nhơn[1]. Trưa hôm ấy, nghỉ ở ô-ten Lê-Vạn-An. Ba giờ chiều vào tòa, thời các quan ta có đủ cả ở trước mặt quan Sứ. Quan Công-sứ hỏi mình rằng:

— Ông đi chơi, có giấy căn-cước không?

Mình bẩm có. rồi nhân tiện đưa cả giấy nghị-định tạp-chí ra trình. Ngài xem song, bảo rằng:

— Nếu ông đi chơi có đủ những giấy má như thế này, thời qua đâu, dù những chỗ hèn mọn như thôn quê mà họ có hỏi, ông cũng nên đưa cho họ coi.


  1. Ở Trung-kỳ, những tỉnh gần bể, dinh các quan ta vẫn đóng ở tỉnh lỵ cũ, gọi là «thành»; dinh quan Sứ cùng các sở như kho bạc, thời thường đóng riêng ở trên bể, gọi là «chợ». Thành với chợ, cách nhau thường hơn 10 kilomètres, như Bình-định với Qui-nhơn, Khánh-hòa với Nha-trang. Dinh quan tây đóng trên bể, ý là lấy sự mát.