Trang:Giac mong con 1926.pdf/11

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 9 —

Hiếu. — Phải. Chúng ta bàn luận trước, cũng chẳng qua cảm-hứng trong một lúc đi chơi thế này thôi; như mấy câu nói anh Lệ-Trùng mới rồi, ý tưởng thật bình-thường mà cao hơn. Ừ, nhưng tài sức con người ta có hạn mà phận-sự không biết đâu là bờ; nếu không có riêng một ý thú, không định được một đích hạn, thời như đội chiếc thuyền nan ra đứng trông cửa bể, hồ dễ mà không ngán? Ngán, hồ dễ mà không sầu?

Lệ-Trùng. — Giời sinh vạn vật trong thế-gian, vị khác nhau, phận khác nhau, tài khác nhau, cho nên ý thú cũng nhân mà khác nhau. Ý thú của hổ báo ở rừng xanh, ý thú của côn kềnh ở bể rộng, con ve có ý thú con ve, con kiến có ý thú con kiến, đều là nhân cái tài, cái phận, cái vị mà đều có một ý thú riêng. Trong đàn người, giời lại lựa chia làm vạn vật. Nay tôi không là anh, biết đâu anh là con hổ hay con kềnh, con ve hay con kiến? Kiến hay ve, kềnh hay hổ, anh tự hiểu thời tự có một ý thú; cái đó không hợp đem bàn định với người ngoài.

Hiếu. — Ừ, cái đó không thể phiền các anh bàn giúp thật. Nhưng người ta muốn làm song một phận-sự, phải nhờ có tài; tài, phải nhờ có học; học, quyết không phải một ngọn đèn xanh, năm xe sách cổ đã là đủ. Vậy thời tính sao?

Lệ-Trùng cười mà không nói được.

Thu-Thủy đương ngồi, tay cầm một bông hoa, buông hoa đứng dậy nói rằng: Như ý anh thời phải đi Saigon tìm anh Phạm-duy-Tâm, tất nhiên có một nhẽ rất tiện ích.

Hiếu. — Phải.

Lệ-Trùng. — Ừ! phải. »

Câu truyện vừa tàn, chiều giời cũng chuyển; phong-cảnh Sài-sơn chưa chớp mắt, đã thành ra một cuộc tiễn biệt ở nhà ga.