Trang:Giac mong con 1926.pdf/5

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
TỰA

Người là một giống có ý-thức. Có ý-thức, cho nên có mộng. Trăm năm trong cõi người ta, nhiều cảnh thân-thế chưa trải biết mà ý-thức đã đi trước. Ý-thức đi trước mà không đến, thời là tưởng; ý-thức đi trước mà đến thời thành mộng. Hoảng-hoảng hốt-hốt, mơ-mơ mồng-mồng, như thực như có, như hư như không, như qua địa-ngục, như chơi non Bồng, kỳ-kỳ quái-quái, sinh sinh lạ lùng. Nay nói Mộng.

Mộng là một quãng đời người hiện thấy trong giấc ngủ. Các cảnh-ngộ trong mộng, tỉnh dậy thời thành không. Vậy thời đó là một sự con Tạo-hóa dối mình, thời có thú gì mà nói? Lại còn có thú gì mà chép. Dẫu thế, người đời xưa có nói: « Các việc đã qua, nhiều cái như mộng » « ở đời như giấc mộng to. » Học thấy thế, cho nên ngồi mà nghĩ, thời: Các việc năm trước, đến năm nay đã thành không; các việc tháng trước, đến tháng này đã thành không; cả như việc mới ngày hôm trước, sang hôm nay đã thành không. Các việc năm trước, tháng trước, ngày hôm trước mà còn vướng lại năm sau, tháng sau, ngày hôm sau, cũng có chớ không không, nhưng thực là rất ít. Nghĩ thấy thế cho nên lại ngồi mà xét, thời cảnh-ngộ trong mộng cùng cảnh-ngộ ở đời có khác nhau mấy nhẽ: Cảnh-ngộ ở đời dài, cảnh-ngộ trong mộng ngắn; cảnh-ngộ đời nhiều về phần ngày, cảnh-ngộ mộng thường về phần đêm; cảnh-ngộ đời nhiều người cùng biết, cho nên có chứng, cảnh-ngộ mộng chỉ một mình biết, cho nên không có chứng; cảnh-ngộ đời mở mắt mà thấy, cảnh-ngộ mộng nhắm mắt mà thấy. Cảnh-ngộ