Quan hậu thấy Xuân-Hương ăn nói lễ phép, vừa ý gật đầu; lại nghe đọc một vài bài thơ, thì thực là giỏi giang, biết rõ Xuân-Hương là bậc tài-nữ, chứ không phải là người giăng gió giang hồ; có ý trung tình khăng khít. Từ bấy giờ không mấy hôm là không đi lại chơi bời, xướng họa văn thơ.
Bà hậu ở nhà hễ khi nào thấy quan ông bước chân đi chơi đâu, thì bà hậu hay hỏi săn hỏi đón, biết ý rằng quan hậu hay tò mò đến chơi Xuân-Hương.
Xuân-Hương thấy quan hậu đến chơi thơ thẩn khi nào, tuy rằng mải miết tự tình, nhưng xem kỹ ra thì vẫn thường có ý chập chỗm, không vững lòng ngồi dai. Xuân-Hương biết ý như vậy, mới làm một bài tục-vịnh để giễu thử chơi.
Thơ rằng:
Tình cảnh ấy, nước non này,
Dẫu không Bồng-đảo cũng tiên đây.
Hành sơn mực điểm đôi hàng nhạn,
Thứu-lĩnh đen trùm một thức mây.
Nhấp nhó đầu non vừng nguyệt chếch,
Phất phơ sườn-núi lá thu bay.
Hỡi người quân tử đi đâu đó?
Đến cảnh sao mà đứng lượm tay?
Quan hậu xem thơ, cười mà rằng: