Trang:Hung Dao Vuong.pdf/72

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 71 —

cuộn, sóng trắng rập rềnh, thuyền bè trành nghiêng trành ngửa, ba quân mất vía, các tướng kinh hồn.

Hưng-đạo vương vội vàng sai quân bỏ neo, tụ cả các thuyền kèm giữ một chiếc thuyền rồng của thượng-hoàng và vua ngự. Một nhát thấy một người ở giữa dòng sông nổi lên, ăn mặc áo lính, tay cầm một cái hộp vàng, trèo sấn lên thuyền rồng, đệ đến trước mặt vua, quì xuống tâu rằng:[1]

Tôi phụng mệnh Đại-đô-đốc ở thủy-phủ, đem hộp thư dâng lên hoàng-đế ngự lãm.

Nói đoạn từ ra, nhảy xuống sông đi mất.

Vua ngạc nhiên lấy làm lạ, sai mở hộp ấy ra, thì thấy có một bức thư.

Thư rằng:

— « Thủy-phủ Đại-đô-đốc Giang đại-giao kính phụng thư tâu lên hoàng-đế: Tôi trấn thủ ở xứ này, nghe tin thánh-giá hoàn cung, lấy làm hân hạnh vô cùng. Vậy tôi thân xuất hết tướng sĩ quân quyền, ra đây đón mừng hoàng-đế. Vả lại tôi nghe hoàng-đế lắm cung-tần mĩ-nữ theo hầu, dám xin hoàng-đế giáng ơn ban cho một người, thì tôi đội ơn không biết ngần nào, sẽ xin thu hết phong ba, để hoàng-đế lên đường cho được ổn tiện. »

Vua xem thư nổi giận, hỏi Hưng-đạo vương rằng:

— Thủy-thần vô lễ dám ngăn trở đường trẫm, cầu đòi mĩ-nhân, thì vương tính sao?

Hưng-đạo vương cũng giận, tâu rằng:

— Vật nào yêu quái mà dám vô lễ làm vậy? Xin bệ-hạ khoan tâm, tôi xin sai dũng-tướng xuống giết được yêu thần ấy.

Nói đoạn lập tức lấy thanh thần-kiếm, truyền cho Yết-Kiêu lội xuống sông giết yêu quái.

Yết-Kiêu lĩnh mệnh cầm thanh kiếm nhảy xuống sông, bấy giờ hãy còn đang sóng to gió nhớn, Yết-Kiêu xuống đến đáy sông, thấy những ba-ba, thuồng-luồng, rải, rắn, cá to vô số. Các giống thủy-tộc xúm quanh cả vào chực nuốt Yết-Kiêu. Yết-Kiêu cầm thanh thần-kiếm, chém vung một lúc, các giống bị thương chết rất nhiều, tan giãn cả ra bốn phía. Yết-Kiêu cứ việc đuổi theo chém giết. Một nhát, thấy một con thuồng-luồng cực to, chờm đến trước mặt Yết-Kiêu. Yết-Kiêu vung thanh kiếm chém ra, thì hào quang tỏa ra ba trượng, con thuồng-luồng ấy biết là thần-kiếm, vùng ra chạy mất. Yết-Kiêu biết nó hẳn là chúa


  1. Khúc truyện này huyền hồ lắm, đặt theo nhời tục truyền, không có đích sác.