Trang:Nam Hai di nhan liet truyen.pdf/100

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 100 —

lòng báo quốc, phấn chấn chẳng nghĩ chi đến mình, vậy nên được lòng kẻ tướng-sĩ, đem quân đi đánh, không thua trận nào.

Thủy chung bốn lần đi dẹp giặc mán Vách-đá ở Quảng-nghĩa, quân mán rợ đều khiếp sợ uy phong, hễ kéo quân đến thì giặc mán đều tan trốn cả.

Khi ra kinh lược Thanh, Nghệ, những kẻ đào-phạm ở Bắc-thành cùng kẻ thổ-tù ở mặt thượng-đạo đều về đầu thú.

Hai lần trọng trấn Gia-định, hưng lợi, trừ hại, dẹp giặc, yên dân, uy danh lừng lẫy, người Xiêm khiếp sợ, hễ khi nào có sứ bộ sang, thì người Xiêm lại hỏi thăm rằng: « Lê-công có được mạnh khỏe không? »

Duyệt mất rồi, thành Gia-định đổi tên là Phiên-an, đặt ra Tổng-đốc, Bố-chính, Án-sát, Lãnh-binh. Khi ấy Bố-chính là Bạch-xuân-Nguyên sách nhiễu tham lam, tự xưng là phụng mật-chỉ truy xét việc riêng của Duyệt, sai bắt lũ Lê-văn-Khôi[1] là bộ-hạ Duyệt để tra hỏi. Khôi sợ phải tội, mưu làm phản; đêm hôm 18 tháng 5 năm Minh-mệnh thứ 14, Khôi ngầm dụ đảng lính Bắc-thuận[2] 27 người vào thành giết Bố-chính Bạch-xuân-Nguyên, và Tổng-đốc Nguyễn-văn-Quế, chiếm giữ thành Phiên-an. Quan quâ đánh mãi không phá được, đến năm Minh-mệnh thứ 16 mới dẹp yên. Đức Minh-mệnh truy trách là tại Duyệt nuôi lũ phỉ-đảng để gây nên vạ. Các quan nội-các đều dâng sớ kể tội Duyệt. Đình-thần nghĩ xử kết án Duyệt đáng tội chảm 7 điều, tội giảo 2 điều. Sau xử án Duyệt phải truy đoạt quan tước, cuốc phẳng mộ-địa, dựng bia đề tám chữ: « Quyền yêm Lê-văn-Duyệt thụ pháp xứ. » Con nuôi và cháu là Hán, Yên Tề đều phải xử tử.

Mộ Duyệt ở Gia-định, từ đấy thường khi giời tối, đêm khuya, trong mộ hình như có tiếng quỉ khóc, hoặc tiếng người, tiếng ngựa ồn ào, nhân dân ở đấy không ai dám đến gần. Đến sau sai quan địa-phương bỏ cái bia dựng ngày trước đi, và cho con cháu được xây mộ lại, thì tiếng khóc ban đêm mới thôi.


  1. Là thổ-mục Cao-bình, mộ binh theo Duyệt vào Gia-định, làm Phó-vệ-úy.
  2. Là những thú-đinh ngoài Bắc, Duyệt mộ làm lính cơ ở Bắc-thuận.