Bước tới nội dung

Trang:Nam Hai di nhan liet truyen.pdf/124

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 124 —

Phạm-Viên thường dạy một người học trò, chỉ học hai chữ « cát cao » nghĩa là cái gầu múc nước. Người học trò xin học chữ khác, Phạm-Viên bảo rằng:

— Ngày sau phú quí, chỉ hai chữ ấy đủ rồi, can gì phải học nhiều cho mệt?

Về sau, người ấy phải đi lính, canh thuyền, xảy khi chúa Trịnh đi chơi, bắt khai các đồ trong thuyền, đến cái gầu múc nước, không ai biết biên chữ gì. Bấy giờ cả quan Tham-tụng là Hà Tôn-Mục ở đấy, cũng không nhớ chữ gì là cái gầu.

Người ấy nhàn canh ở đấy mới nói rằng:

— Khi trước tôi đi học, còn nhớ được hai chữ cát cao là cái gầu múc nước. Quan Tham-tụng cho là người học rộng, tâu với chúa Trịnh, vì thế được cất lên làm quan lục phẩm.

Đến năm Phạm-Viên 40 tuổi, ông thân-sinh đang được vua chúa yêu đùng, làm quan tại kinh. Phạm-Viên ở nhà, một hôm bỗng dưng sai người nhà sắm sửa đồ thờ, may áo chế, sắm gậy chúc. Được vài ngày, quả nhiên có tin quan Thị-lang mất tại kinh.

Phu-nhân làm ma, toan đem xuống thuyền, để đi đường hải-đạo về Nghệ. Phạm-Viên không nghe, sắm đủ minh tinh nhà táng, áo quan võng vì, và đủ các đồ nghi vệ đi đường, xin đến gà gáy thì rước ma đi bộ từ Thăng-long về Nghệ. Ai cũng cười là người gàn. Không ngờ đi tự gà gáy, mới đến lúc mặt giời mọc, đã về đến đầu làng An-bài chúng bấy giờ mới tin Phạm-Viên có phép tiên.

Tống táng đâu đấy, Phạm Viên từ mẹ lại đi. Được năm năm thì phu-nhân mất. Chiều hôm cất ma xong, Phạm-Viên về khóc ở trước mồ, rồi để một hòm ở lại đấy mà đi. Sáng hôm sau, người nhà trông thấy mở hòm ra xem, thì thấy đủ cả trâu bò lợn gà, và các thứ giò nem bánh trái, không biết bao nhiêu mà kể. Lại có 500 quan tiền, 100 cân bạc. Trên mặt hòm đề rằng: « Của cô ai tử là Phạm-Viên kính-tế ».

Từ đấy trở đi, hoặc khi có người gặp ở Thăng-long, hoặc khi có người gặp ở cửa bể Thần-phù. Trong năm Bảo-thái, có ông Trương-hữu-Điền mở tràng học ở Hà-nội, có người ăn mặc lam lũ vào làm văn, chỉ chớp mắt song bài văn rồi biến mất. Ông kia xem văn rồi nói rằng: « Văn chương này cách cục nhà tiên, lại ông Phạm-Viên đùa ta đây! » Biến hóa không biết đâu mà lường được.