ra đấy, toan phân kim lấy rồi nằm xuống cho chôn; nhưng đến nửa đường thì đã gần chết, không kịp đến được chỗ kia, mới trỏ một cái gò bên cạnh đường, dặn con rằng: « Chỗ kia là ngôi huyết-thực (nghĩa là được hưởng người ta cúng tế), bất-đắc-dĩ táng ngay ở đấy cũng xong »
Nói xong thì mất, bấy giờ mới 65 tuổi. Hai con đem táng vào gò ấy, quả nhiên về sau làm phúc-thần một làng.
Địa-lý xưa nay ở nước Nam, không ai giỏi bằng ông Tả-Ao, thế mà chỉ làm phúc cho người, đến mình thì không sao làm được, mà con cái vẫn nghèo khổ. Thế mới biết rằng câu tục-ngữ nói « Tiên tích phúc nhi hậu tầm long »
55. — Nguyễn-thị-Điểm
Thị-Điểm người huyện Đường-hào, tỉnh Hải-dương[1] em gái ông Tiến-sĩ Nguyễn-trác-Luân. Lúc lên 5, 6 tuổi, học sách Hán-cao-tổ, anh có ra câu đối rằng:
« Bạch-xà đương đạo; Quí bạt kiếm nhi trảm chi. »
Thị-Điểm đối rằng:
« Hoàng-long phụ chu; Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết. »[2]
Anh chịu câu ấy là tài, tự bấy giờ cho chuyên tập về nghề nghiên bút. Đến năm 15 tuổi, văn chương đã giỏi lắm. Một khi ngồi trước cửa sổ soi gương, anh ra câu đối rằng:
« Đối kính họa mi; nhất điểm phiên thành lưỡng điểm. »[3]
Thị-Điểm ứng khẩu đối rằng:
« Lâm trì ngoạn nguyệt; chích luân chuyển tác song luân. »[4]
Thái-học-sinh là Đặng-trần-Côn nghe tiếng Thị-Điểm hay chữ, đưa thơ đến có ý muốn ghẹo.
Thị-Điểm xem thơ cười nói rằng:
― Trẻ thơ mới học, thơ từ chẳng bõ ngứa tai!
Đặng-trần Côn tức giận trở về, cố công đi học, mới thành danh-sĩ.
- ▲ Đăng khoa-lục cho là người Bình-lao, huyện Cẩm-giàng, tỉnh Hải-dương. Tang-thương-lục cho là người Bắc-giang, chưa biết đích nhời nào là phải.
- ▲ Hai câu cùng chữ sẵn mà chọi nhau từng chữ, cho nên tài.
- ▲ Nghĩa là soi gương vẽ lông mày, một nét hóa ra hai nét. Điểm là nét vẽ, lại là tên bà ấy, có ý một nàng Điểm hóa ra hai nàng Điểm nữa.
- ▲ Nghĩa là cạnh sông xem bóng giăng, một vừng giống như hai vừng. Luân là vừng giăng, vừa là tên anh. Có ý một ông Luân thành ra hai ông Luân nữa.