Trang:Nam Hai di nhan liet truyen.pdf/29

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 29 —

Trong năm Cảnh-hưng, triều-đình duyệt lại các sắc phong của các ông khai-quốc công-thần. Khi duyệt đến sắc ông Nguyễn-Trãi, thì quan Thị-lang là ông Lê-quí-Đôn xé đạo sắc ấy ra nói rằng:

— Bọn loạn-thần tắc-tử, còn để cáo sắc làm gì nữa!

Nói vừa buông nhời, bỗng nhiên ngã gục ngay xuống, rồi thấy hai tên lính bắt đi, đưa đến một chỗ đền đài, tường dễu chung quanh, có các cây cổ thụ hàng mười ôm. Trong đền có vài chục chiếc ỷ. Ở mé hữu có một tấm sặp, trên sặp có một ông quan ngồi, đầu đội mũ, mình mặc áo bố-tử. Lính hầu xúm xít chung quanh. Hai tên lính bắt ông Lê-quí-Đôn quì ở dưới thềm, rồi ông quan ngồi trên sặp thét lên rằng:

— Ta là Tế-văn-hầu đây, người là sơ học tiểu-sinh, sao dám bỉ báng người có công tiền-triều, tội ngươi đáng chết!

Lê-quí-Đôn ngồi nín lặng, không dám ngẩng mặt lên nhìn. Bên cạnh có người đội khăn lượt mặc áo xanh, kêu van thay cho Lê-quí-Đôn, ông quan lại nói rằng:

— Công-danh sự nghiệp của ta, không thèm so sánh với ngươi, ngươi đừng tưởng ngươi đỗ Bảng-nhỡn mà đã khinh người, cho về mà thử xem bài « Bình-ngô đại-cáo » của ta, nếu ngươi làm hay hơn được bài ấy, thì xé sắc của ta cũng phải.

Lê-quí-Đôn tỉnh dậy, kinh hãi lắm, lập tức viết lại sắc của ông Nguyễn-Trãi. Vì thế sắc của công-thần không ai phải tước cả.

12. — Trịnh-Kiểm

Trịnh-Kiểm người làng Sóc-sơn, huyện Chân-phúc, tỉnh Thanh-hóa. Khi còn hàn vi, nhà nghèo lắm, mà thờ mẹ rất hiếu. Mẹ tính hay ăn thịt gà, mà nhà thì không có, ngày nào cũng phải ăn trộm một con gà của láng-giềng để nuôi mẹ. Láng-giềng ai cũng ghét, một bữa nhân ông ta đi chơi vắng, bắt mẹ ông ta ném xuống vực Tôm ở cạnh làng, để khỏi phải ăn trộm gà nữa. Không ngờ lòng giời run rủi, chỗ vực ấy là một huyệt to. Đêm hôm ấy, giời nổi cơn mưa gió nhớn, rồi vực ấy bỗng nổi đất lên thành mộ. Về sau có người địa-lý Tàu xem ngôi mộ đất ấy, nói rằng: « Ngôi đất này phát ra không phải đế, cũng không phải bá, mà có quyền nhất cả thiên-hạ; truyền được tám đời, rồi vạ tự trong nhà sinh ra. »