Bước tới nội dung

Trang:Nam Hai di nhan liet truyen.pdf/33

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 33 —

Một lát, bà già sai người nhà đem cơm đến, gọi ông ấy thức dậy, ông ấy ăn một lúc, hết cả hai mâm cơm, rồi lấy tiền gạo mà đi.

Chúng tưởng là thần, dần dần mới biết là con quan Bảng-nhãn ai nấy phàn nàn không ngần nào.

Đến năm 18 tuổi, nhớ nhời cha dặn, mới đến học quan Trạng Trình. Bấy giờ học-trò quan Trạng hơn 3.000 người, duy có ông Kế-Khê là hay chữ nhất trường. Khi ông Hữu-Khánh đến học, mới làm ba kỳ văn, đã đè trên ông Kế-Khê.

Trình tiên-sinh vốn là học-trò ông Lương-đắc-Bằng khi xưa, nay thấy con thầy đến học, hay chữ như thế, có bụng quí trọng trăm phần, thường tư cấp cho để mà học.

Bấy giờ nhà Mạc mở khoa thi, ông Lương-hữu-Khánh vốn không có bụng làm quan với nhà Mạc, nhưng ngặt vì nhà nghèo và còn mẹ già, bất-đắc-dĩ phải ra thi. Khi thi thì bốn kỳ cùng thứ nhất, mà văn ông Kế-Khê thì đỗ thứ nhì. Đến lúc hồi phách,[1] quan Tràng thấy ông ấy là người Thanh-hóa, mới đánh xuống thứ nhì mà ông Kế-Khê lên đỗ thứ nhất (vì bấy giờ tự Thanh giở vào thuộc về nhà Lê, tự Ninh-bình giở ra thuộc về nhà Mạc). Ông Hữu-Khánh thấy xử thiên tư làm vậy, mới bỏ không vào thi đình nữa, vì thế ông Kế-Khê mới đỗ Trạng-nguyên.

Khi ấy, Hữu-Khánh chọ ở hàng Bông, một hôm để dành được 6, 7 đấu gạo, và hai lọ nước mắm. Thổi cơm rồi giải chiếu xuống đất ngồi ăn, dung đùi đắc chí, cười vang lên nói rằng:

— Thế này chẳng kém gì mâm cơm nhà quan!

Xẩy có một ông quan tự trong triều giở về, nghe thấy tiếng cười nói, dừng xe lại nhìn, lấy làm kỳ dị, cho 5 quan tiền, rồi tiến lên với vua nhà Mạc.

Vua Mạc sai sứ đến nhà chọ, khuyên dụ trăm triều, Hữu-Khánh nhất định không ra làm quan. Tự bấy giờ lại đi bơ vơ, nay đây mai đó, con một nơi, mẹ một nẻo, trông cảnh động lòng, lắm phen chua xót.

Nhà Lê bấy giờ khởi quân ở phủ An-tràng, vốn nghe tiếng ông Hữu-Khánh là người tài lạ, nhiều khi muốn sai người ra đón về giúp, nhưng vì đường xá xa khơi, đi lại gian hiểm, cho nên chưa có dịp nào mà đem về được.


  1. Quyển thi rọc tên ra, gọi là rọc phách. Đến lúc chấm văn xong lại dán tên lại gọi là hồi phách.