Trang:Nam Hai di nhan liet truyen.pdf/54

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 54 —

Mặt giăng là phận bày tôi, sao ông lại dạy con điều ấy?

Văn-Định thẹn thò xin chịu lỗi, nhưng bà ấy vẫn còn căm tức, xin từ về, nhất định không ở đấy nữa, về sau bà ấy già dời ở nhà bố mẹ đẻ.[1]

Khi Bỉnh-Khiêm còn để hai trái đào, cùng bọn trẻ con tắm ở bến Hàn, có người đi thuyền trông thấy nói rằng:

— Tiếc thay cho thằng bé này, bộ da dày lắm, chỉ làm được Trạng-nguyên Tể-tướng là cùng!

Khi ngài bé thì học ở nhà, đến lúc nhớn, nghe tiếng ông Bảng-nhãn Lương-đắc-Bằng hay chữ, mới vào Thanh-hóa theo học ông Bảng-nhãn.

Lương-đắc-Bằng vốn ở làng Hội-trào, huyện Hằng-hóa. Nguyên có một chi họ lạc sang ở Vân-nam, đời đời làm quan bên Tàu. Khi Đắc-Bằng sang sứ nhà Minh, gặp một người cùng họ là Lương-nhữ-Hốt cho một quyển « Thái-ất thần-kinh ». Đắc-Bằng đem về học tập, cho nên tinh nghề lý số, việc gì cũng tính biết được trước.

Nguyễn-bỉnh-Khiêm học hết được phép thuật của ông Lương-đắc-Bằng. Khi ông Đắc-Bằng mất, dặn lại Nguyễn-bỉnh-Khiêm về sau phải trông nom cho con mình là Lương-hữu-Khánh.

Trong năm Quảng-thiệu (Lê Chiêu-tôn), có việc biến loạn, Nguyễn-bỉnh-Khiêm ở ẩn một chỗ, không muốn cầu tiếng tăm với đời. Bấy giờ, Trịnh-Tuy, Mạc-đăng-Dung cùng có ý muốn tranh quyền, đánh nhau luôn mấy năm. Ngài tính số Thái-ất, biết cơ nhà Lê lại khôi phục được.

Ngài có bài thơ cảm hứng sau này:

Non sông nào phải buổi bình-thời,
Thù đánh nhau chi khéo nực cười!
Cá vực, chim rừng ai khiến đuổi?
Núi xương, sông tuyết thảm đầy nơi!
Ngựa phi chắc có hồi quay cổ.[2]
Thú dữ nên phòng lúc cắn người.[3]
Ngán ngẩn việc đời chi nói nữa,
Bên đầm say hát nhởn nhơ chơi!


  1. Tục truyền bà ấy tức ông Văn-Định lên Sơn-tây lấy chồng khác, sinh ra ông Phùng-khắc-Khoan (tức ông trạng Bùng).
  2. Ứng về sau nhà Lê khôi phục được nước.
  3. Ứng về sau nhà Trịnh lại giữ quyền nhà Lê.