Trang:Nam Hai di nhan liet truyen.pdf/6

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 6 —

thể đương được với quân Mã-viện, mà hàng thì bà ấy cũng không chịu hàng. Sau mới rút quân về đến xã Hát-môn, huyện Phúc-lộc (tức là huyện Phúc-thọ, thuộc Sơn-tây), thì bà ấy bức chí nhảy xuống sông Hát-giang tự tận.

Em là Trưng-Nhị thấy chị đã liều mình xuống sông, cũng liều mình xuống theo chị nốt.

Than ôi! Một đôi nữ anh-hùng nước Nam, tuy vì tài liễu yếu đào tơ, không làm được công nghiệp oanh-oanh liệt-liệt, nhưng biết giận kẻ tàn ác, khởi binh đánh đuổi đi, cũng lừng lẫy được một thời mà lưu danh thiên cổ, gây dựng nền độc-lập cho đời sau; khá khen thay, khá khen thay!

Từ lúc hai bà ấy xuống sông, rồi hóa ra hai người bằng đá, nổi lênh đênh trên mặt nước trôi đi. Các làng quanh sông thấy vậy, tranh nhau ra khấn để vớt về thờ, nhưng chỉ có làng Đông-nhân ở huyện Thanh-trì (bây giờ thuộc về tỉnh Hà-đông) vớt được, mới lập đền thờ ở bãi làng ấy. Dân xã Hát-môn thấy sự thiêng làm vậy, cũng lập đền thờ vọng ở bên sông.

Đến thời vua Anh-tôn nhà Lý, chỗ bãi Đồng-nhân lở gần đến miếu thờ. Vua sai làng Hưng-viên bên trong đê, ra đền rước tượng hai bà ấy vào, rồi vua ban tiền bạc cho dân lập miếu mà thờ, phong sắc là « Trinh-linh chi phu nhân ». Đền ấy bây giờ vẫn còn, tục gọi là đền Hai-bà.

Đến đời nhà Trần, lại phong thêm tám chữ: « Uy liệt chế thắng thuần trinh bảo thuận ». Đến bây giờ vẫn còn anh linh lắm.

2.— Bố-cái đại-vương

Về thời nội-thuộc nhà Đường ở quận Đường-lâm, (bây giờ là làng Cam-lâm thuộc huyện Phúc-thọ, Sơn-tây), có ông Phùng-Hưng, nguyên đời đời được tập phong làm Tù-trưởng châu ấy (tức là quan-lang).

Nhà ông Phùng-Hưng giầu có quyền hành nhất vùng ấy, lại có sức khỏe lạ thường, có thể đấm chết hổ, đẩy ngã trâu. Em tên là Phùng-Hãi, cũng có sức khỏe đội nổi nghìn cân, đi hơn 10 dặm. Các người rợ đâu đâu cũng phục nhà ông ấy.

Trong năm Trinh-nguyên nhà Đường (791), nước Nam có đám loạn-quân khởi biến. Hai anh em ông Phùng-Hưng nhân dịp ấy, mới đem quân đi dẹp loạn các nơi lân-ấp, đi đến đâu dẹp tan đến đấy.