Trang:Nam Hai di nhan liet truyen.pdf/61

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 61 —

Khi đến kinh, vua đưa bài thơ của Tàu ra hỏi, Trạng Hiền cầm bút viết ra một chữ và giải rằng:

— Câu thơ thứ nhất nghĩa là chữ nhật (日) ngược xuôi bằng đầu nhau; thứ nhì là bốn chữ san (山) ngược xuôi cùng là chữ san cả; thứ ba hai chữ vương (王) tranh nhau ở trong một nước; thứ tư là bốn chữ khẩu (口) ngang dọc cùng thành chữ khẩu cả. Tóm lại chỉ là một chữ điền (田).

Giải xong đưa cho sứ Tàu xem, sứ Tàu phải chịu. Vì thế vua cử Nguyễn Hiền làm Kim-tử vinh-lộc đại-phu. Sau lại làm đến Công-bộ thượng-thư, không được bao lâu thì ông ấy mất.

Vua thấy người đại tài như thế mà không được thọ, thương tiếc vô cùng. Huyện ông ấy nguyên tên là huyện Thượng-hiền, vua mới kiêng tên ông ấy, đổi ra gọi là Thượng-nguyên. Lại cấp cho năm mẫu ruộng tư-điền, bắt dân ấy phải lập miếu thờ.

22. — Lương-thế-Vinh

Lương-thế-Vinh hiệu là Thụy-hiên, người ở làng Cao-hương, huyện Thiên-bản, tỉnh Nam-định. Khi còn bé, đã có tiếng đồn là thần-đồng. Đến năm 23 tuổi thi đỗ Trạng-nguyên trong năm Quang-thuận đời vua Thánh-tôn nhà Lê.

Tục truyền Thế-Vinh đã thác sinh ở huyện Nam-xang. Khi lên 7, 8 tuổi, cùng với trẻ con đi học, Bên cạnh đường có một con chó đá, mỗi khi Thế-Vinh đi qua, thì con chó đá vẫy đuôi mà mừng.

Về nói truyện với cha, cha bảo rằng:

— Nó đã biết vẫy đuôi, thì hẳn nó cũng biết nói, thử hỏi vì cớ gì mà mừng.

Hôm sau, Thế-Vinh đi qua, con chó ấy lại vẫy đuôi. Thế-Vinh hỏi, thì nó nói rằng: « Ngày sau ông đỗ Trạng-nguyên cho nên tôi mừng thay cho ông. »

Thế-Vinh về nhà lại nói với cha như thế. Cha tự bấy giờ chắc ngày sau con làm nên, sinh ra kiêu ngạo, thường hay tranh cạnh với người ta và đe rằng:

— Mai sau con ông đỗ Trạng, ông sẽ hỏi tội cho chúng bay.

Thế-Vinh thấy cha như thế, can mãi mà cha không nghe, có ý không bằng lòng, buồn rầu mà bảo với mẹ rằng:

— Mẹ có đức hiền hậu mà cha thì kém đức. Con không ở đây nữa, xin từ đi chỗ khác đây.