Trang:Nam Hai di nhan liet truyen.pdf/7

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
— 7 —

Ông ấy đắc chí rồi, đổi tên gọi là Cự-Lão, tự xưng là Đô-quân. Em thì đổi tên là Cự-Lực, tự xưng là Đô-bảo. Nhân dùng mẹo của bộ-tướng tên là Đỗ-anh-Luân, đem quân tràn ra các châu quận, người theo về càng ngày càng nhiều, có ý muốn đến phá phủ Đô-hộ.

Quan Đô-hộ bấy giờ là Cao-chinh-Bình, đem quân đi đánh bị thua, rồi lo lắng thành bệnh mà chết. Ông Phùng-Hưng mới chiếm giữ phủ-thành, tự coi việc Đô-hộ, được 7 năm thì mất.

Chúng muốn lập em là Hãi lên nối ngôi, nhưng trong bọn bầy-tôi có người đầu-mục tên là Bồ-phá-Lặc, có sức khỏe đạp đổ núi, nhắc nổi vạc, người ấy nhất định không nghe, mới lập con ông Hưng tên là An lên nối nghiệp, mà đem quân ra cự nhau với Phùng-Hãi. Hãi chịu thua, Bồ-phá-lặc bắt đầy ra ở đỗng Chu-nhan.

An được lập rồi, tôn vua cha gọi là Bố-cái đại-vương (tục bấy giờ gọi cha là Bố, gọi mẹ là Cái). Được hai năm, vua Đức-tôn nhà Đường sai Triệu-Xương sang làm Đô-hộ Triệu-Xương sai sứ đến dụ hàng, An chịu hàng, cơ nghiệp họ Phùng mới đổ.

Khi trước ông Phùng-Hưng mới mất, thường có hiển linh ở trong dân thôn, hiện hình ra nghìn xe, muôn ngựa, bay ở trên các mái nhà, cùng là trên ngọn cây cổ-thụ, trông tựa hồ đám mây ngũ-sắc. Lại có tiếng đàn sáo bát âm ở trên không, và tiếng quát tháo. Lại thấp thoáng trông thấy cả cờ, tàn, võng, lọng. Phàm trong làng có việc gì mừng hay sợ, tất báo mộng trước cho các người hào-trưởng. Dân gian thấy lắm sự hiển linh, mới lập miếu ở mé tây phủ Đô-hộ để thờ. Dân có việc cầu đảo, thường ứng nghiệm lắm.

Đến thời Ngô-chủ Quyền, có giặc Bắc sang xâm. Ngô-chủ nằm mơ thấy một ông cụ đầu bạc phơ phơ, áo mũ tề chỉnh, tự xưng là Phùng-Hưng và nói rằng: « Tôi xin lĩnh một muôn thần-binh, phục sẵn ở chỗ hiểm-yếu, ông nên tiến binh mà đánh giặc đi, đã có tôi giúp, không cần phải lo » Đến lúc Ngô-chủ đánh nhau với Hoằng-Tháo ở sông Bạch đằng, quả nhiên nghe trên không có tiếng xe ngựa ầm ầm. Ngô-chủ phá được quân Nam-Hán giở về, sai sửa sang đình miếu cho hoa mỹ rồi dùng lễ thái-lao đến tạ ơn.

Từ bấy giờ triều nào cũng có phong tặng, phong làm « Phu-hựu chương-tín sùng-nghĩa đại-vương ».