Bước tới nội dung

Trang:Nam Phong Tạp Chí 2.pdf/13

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.

VĂN-HỌC BÌNH-LUẬN


NGHĨA GIA-TỘC

Một nhà danh-sĩ đã có câu nói rằng : công việc người ta ở đời ví như con trẻ đánh thia-lia. Hòn cuội mới rơi xuống nước thành một cái quầng nhỏ trên mặt nước, rồi cái quầng nhỏ ấy lan ra mà thành một cái quầng nhớn hơn, cái quầng nhớn ấy lại lan thành một cái nhớn hơn nữa, cứ thế mãi cho đến khắp mặt ao.— Nghĩa là người ta ở đời không phải là sống một mình ; phàm việc gì, dù nhỏ đến đâu, cũng có quan-hệ đến kẻ khác, ba-cập ra ngoài như cái thia-lia trên mặt nước vậy. Đó là cái nghĩa liên-lặc sâu nó buộc người ta với nhau, thành từng đoàn-thể, để cùng nhau mà gánh vác việc đời. Cái đoàn-thể nhỏ nhất, mạnh nhất, bền nhất, hợp với nhẽ thiên-nhiên hơn cả là cái gia-tộc. Trong một nhà, cha con, anh em, vợ chồng, đều liên-lặc với nhau, sống để giúp đỡ, binh-vực, phù-trì lẫn nhau. Cho nên nước nào từ xưa đến nay, cũng vẫn lấy nghĩa gia-tộc làm trọng. Nhưng ngày nay khoa-học tấn-tới, nhân-trí phát-đạt, cái tư-tưởng người ta về việc xử-thế đã thay-đổi đi nhiều. Lòng người khao-khát tự-do, hình như muốn phá-đổ cả những chế-độ cổ đời trước. Cái gia-tộc cũng làm một cái chế-độ cổ, có từ khi loài người mới biết họp thành xã-hội. Cái chế-độ ấy có chịu được cái phong-trào mới thời nay không ? Có thể duy-trì được nữa không ? Hay sắp đến ngày phải chịu biến-cách to ?

Ông Henry Bordeaux làm bộ tiểu-thuyết Les Roquevillards (Truyện nhà Roquevillards), chủ ý muốn xét mấy cái vấn đề ấy. Ông cũng là một nhà văn-sĩ có danh-tiếng ở nước Pháp, thường làm sách để duy-trì phong-tục. Nên sách tiểu-thuyết của ông thực là những bài luân-lý hiển-nhiên mà thâm-thiết. Bởi vậy xem có cái khí-vị hồn-hậu, không giống những sách tuy văn-chương có hay hơn mà ý-nghĩa kiêu-bạc như phần nhiều sách tiểu-thuyết ngày nay. Ông không những là chước-thuật mà lại còn vận-động để thực-hành những chủ nghĩa hay. Thấy cái nghĩa gia-tộc trong nước ngày nay đã suy-vi, ông bèn xướng lập ra một hội đặt tên là Le Foyer (Gia-tộc bảo-tồn hội), làm một nơi họp-tập, mời các nhà danh-sĩ đến diễn-thuyết về những vấn-đề quan-hệ đến xã-hội. Hội ấy thực đã có công trong việc giáo-dục bọn trung-lưu trong nước.

Bộ tiểu-thuyết bàn đây, tuy xuất-bản đã lâu, nhưng cái ý-nghĩa vẫn còn hợp thời lắm. Đại-lược truyện như sau này :

Nhà Roquevillards là một nhà cựu-tộc ở đất Savoie. Đời đời giữ chức trọng về việc hình cùng việc quân. Có tiếng trong một xứ là nhà thế-gia nền-nếp. Khi bắt đầu truyện này thì ông François Roquevillard là trưởng một chi thứ đã sáu mươi tuổi. Ông làm luật-sự ở tòa án Chambéry đã hơn ba mươi năm, lại vừa giữ nghiệp nhà quê, làm ruộng giồng nho. Sinh được năm người con : người con giai cả làm quan ba lục-binh đóng ở thuộc-địa, người con giai thức thì mới đỗ tiến-sĩ luật ở Paris về, tập sự ở nhà luật-sư Frasne. Còn ba người con gái thì một người lấy chồng cùng tỉnh ấy, một người đi