Ôi! có nước mà không có tiếng nói còn gì khổ bằng ! Trong khi họp-tập, năm ba anh em ngồi với nhau, bàn những sự thiết-yếu kể những điều tâm-sự, mà đương câu truyện phải pha một hồi phải pha một hồi tiếng tây hay điểm mấy câu chữ tầu, thì cực biết bao nhiêu ! Viết một bức thư là sẻ tấm lóng cho người yêu kẻ mến, nhời đi cái cảm tình cũng phải đi theo, thế mà diễn cái cảm-tình ấy cũng không thể dùng được cái tiếng nói bắt đầu học từ khi lọt lòng mẹ thì thảm biết chừng nào !
Ấy cái hiện-tình như thế. Phàm những người có chí ai là người đoái nghĩ đến ?
Những người nhiệt-thành về tây-học thì ước cho chữ tây thông-dụng cả trong nước, lấy tiếng tây mà thay vào tiếng ta không những là trong khi học-hành mà đến cả trong khi truyện-trò bàn-bạc nữa, không biết rằng sự « đổi-óc » ấy là thuộc về nhẽ thiên-nhiên không bao giờ thành được. Dù có thể thành được nữa cũng lại là một sự không nên ước lắm. Vì chữ Pháp phải coi là một thứ « cao-đảng văn-tự », người nào có tư-cách nên nghiên-cứu cho thực thâm để làm cái thang mà bước lên cõi văn-minh, nền học-thuật mới, nhưng cái của báu ấy không nên đem ban-phát cho khắp mọi người, sợ không biết của, dùng nhầm mà làm mất giá đi vậy. Cứ xem người nước ta theo tây-học đã ngoại bốn mươi năm nay mà chưa thấy gì là tấn-tới cho lắm, cũng là bởi sự học trọng phổ-thông mà không chuộng nghiên-cứu, nên tuy có rộng mà không được sâu. Như thế thì thà rằng ít người học mà học cho kỹ còn hơn là nhiều người học mà học không đến nơi vậy.
Đến những nhà cựu-học thì tuy ngày nay không còn mấy nữa, nhưng còn người nào đều là giữ cái « yếm-thế chủ-nghĩa » cả. Trông thấy cái học cũ mỗi ngày một mòn mõi đi, không thể cứu vớt được nữa, trong lòng những thương cùng nhớ, không hề xét đến tình-thế tất-nhiên, không hề nghĩ đến tiền-đồ sự học, tựa-hồ như quay mặt cả về cái ký-vãng mà ngoảnh-lưng lại cái tương-lai vậy. Nói văn quốc-ngữ với những bọn ấy thì cũng lấy làm vô-vị như là nói văn nho với người tây học vậy.
Như thế thì cả quốc-dân không hề lưu-tâm đến cái vấn-đề tâm-huyết, là cái vấn-đề chữ quốc-ngữ ; cả quốc-dân không hề tự hỏi : Một nước có thể không có quốc-văn được không ? Một nước muốn sự sinh-tồn, tìm đường phát-đạt, có thể đời đời học mướn viết nhờ mãi được không ?
Đời trước đã nhầm, đời nay phải biết tránh vết xe cũ mà đừng đi. Ví nước Nam xưa kia có được vài ba ông Nguyễn-Du, răm bẩy bà Thị-Điểm, mấy cụ Bảng Đôn, mấy cụ Yên-đổ thì chi mà quốc-văn chẳng đã phong-phú rồi, chi mà đến nỗi nghèo nàn như ngày nay !