Trang:Nam Phong Tạp Chí 2.pdf/25

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Bước tới điều hướng Bước tới tìm kiếm
Trang này cần phải được hiệu đính.
101
TRIẾT HỌC BÌNH LUẬN

vật thì còn không ra được ngoài phương-pháp ấy. Bởi  ậy mà sách « Phương-pháp-luận » (Discours de la méthode) của ông, tuy làm tự năm 1637, mà bên Âu-châu vẫn coi là một bộ nhập-môn tất-yếu của khoa triết-học. Bọn ta ngày nay muốn thiệt-liệp cái tư-tưởng của Tây-phương, tưởng không gì bằng bắt đầu xem sách ấy. Có hiểu cái phương-pháp của triết-học thế nào thì mới có thể giải được các lý-tưởng mới, hội được nghĩa sâu của cái công tư-tưởng Âu-châu tự đầu đời Cận-đại đến giờ. Trước thế-kỷ thứ 15, nghĩa là về đời Trung-cổ cùng đời Cổ-đại, thì cái lối học-vấn tư-tưởng của Âu-châu cũng chẳng khác gì bên Á-châu ta, có nhẽ còn kém mà không bằng ta nữa. Âu-châu mới bắt đầu tiến-bộ nhanh rất dữ như ngày nay là tự thế-kỷ thứ 15 đến giờ. Bởi đâu mà gây nên sự tiến-bộ nhanh như thế ? Thực là bởi công mấy nhà đại-triết xuất-hiện vào khoảng thế-kỷ thứ 15, 16, như ông Bacon[1] nước Anh, ông Descartes nước Pháp vậy. Các nhà ấy đã đưa cái tư-tưởng Âu-châu vào đường chân-chính mà gây nên cái nền văn-minh học-thuật ngày nay. Bởi vậy chúng tôi định dịch trong bản-báo sách « Phương-pháp-luận » của ông Descartes, để hiến học-giới ta một bộ giáo-khoa cao-đẳng, rất đáng học, đáng nghiền-ngẫm, đáng đọc đi đọc lại, cho biết một nhà tây-nho đời xưa đối với sự học nhiệt-tâm mà thành-thực là chừng nào. Ôi ! cái chân-lý có phải là dễ tới được đâu. Trong óc ta thường đầy những tư-tưởng sai-nhầm, đầy những ý-kiến thiên-lệch, phải gột rửa đi cho sạch thì mới đem ra mà đón tiếp cái chân-lý được. Tiên-nho ta ngày xưa cũng đã từng dậy phải hư tâm để cầu sự thực. Nếu trong lòng còn bận những sự thiên-kiên của đời, còn bị cái vật-dục nó mờ ám đi, thì mong sao mà trông rõ được cái chân-tướng của sự-vật ? Sách Phương-pháp-luận của ông Descartes này thực là dậy cho ta cái phép « hư tâm để cầu sự thực » vậy.

Trước khi dịch ta hẵng kể lược cái truyện-ký của ông Descartes, cùng thuật qua cái đại-ý trong sách như sau này.

Ông họ Descartes, tên René, tên la-linh là Cartesius. vốn giòng quí-tộc (chính tên họ nhà ông nguyên là Des Quartes. Sinh năm 1596 ở La Haye, trong quận Touraine. tức là hạt Indre-et-Loire ngày nay. Ông là con một ông nghị-viên ở Nghị-hội thành Rennes. Thủa nhỏ học ở trường của các viên hội Gia-tô (Jésuites) lập ra để dạy con nhà quí-tộc. Sớm ông đã tỏ ra có thiên-tư riêng về triết-học cùng số-học. Thủa thiếu-niên cũng là người chơi-bời lắm, đến năm 1617 nghe nhời cha quyết chí theo nghề quân, bốn năm tòng-sự trong quân-đội của công-tước de Nassau cùng công-tước đất Bavière.

Đến sau đi du-lịch nước Đức, nước Thụy-điển, nước Hà-lan, nước Thụy-sĩ, nước Ý-đại-lợi, rồi ra thành La-mã mà về Ba-lê năm 1626. Ông đã từng được xem việc vây thành Rochelle, đánh đảng tân-giáo-cải-lương năm 1627-1628. Sau việc ấy thì ông bỏ nghề quân quyết chí đem tâm cả vào sự tư-tưởng triết-học, bèn sang ở đất Hà-lan, trước ở thành Amsterdam, sau ra thành La Haye, thành Leyde, đến sau ra ở lầu Egmont là một nơi cảnh-chí tịch-mịch, có thú thanh-nhàn.

Năm 1637, ông xuất-bản sách « Phương-phép-luận » ở thành Leyde. Năm 1641 thì in tập « Mặc-tưởng lục » (Méditations), năm 1644 in sách « Triết-học nguyên-lý » (Principes de philoso-

  1. Tầu dịch là Bồi-càn.