Trang:Nam Phong Tạp Chí 2.pdf/28

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
104
NAM PHONG

là phải, chưa sác-nhiên thì bỏ-bác đi, như thế thì còn nhầm sao được ?

Nhưng có cái chí muốn chưa đủ, còn phải có quyền tự-do nữa mới được. Vì người ta không những là phải đoạt cái tính nhu-nhược cẩu-thả ở trong người, lại còn phải đoạt cái áp-lực ở ngoài nữa, cái áp-lực ấy nó thường ngăn-trở cái lý sác-nhiên không phát-hiện ra được. Áp-lực ấy là gì ? Là những sự thiên-kiến, sự xét-đoán nóng-nổi sai-nhầm của người đời, lề-lối bó-buộc, quyền-thế ngăn-cầm, điều lợi-hại của mình, lợi-hại cho bè-đảng, cùng nhiều mối khác nữa. Phải cho sạch lòng cả những sự ấy mới có thể cầu được cái nhẽ sác-nhiên. Nhưng muốn cho sạch lòng cả những sự ấy thì phải có cái nghị-lực khác thường mới được, vì phải chống-đối ở trong, chống-đối ở ngoài, có toàn-thắng mới được tự-do. Đã tự-do, nghĩa là không phải hệ-lụy gì, được tự mình phán-đoán cho đúng, thì không khó gì mà tới được cõi sác-nhiên. Cái sác-nhiên là cái của báu chỉ riêng để cho những người vừa thông-minh sáng suốt, vừa thành-thực chính-trực, nhất là chính-trực, vì nếu bụng không thẳng, trí cong-queo thì sáng-suốt mà làm gì ?

Nói rút lại phàm người đã đem thân thờ cái chân-lý, phải trong sạch trong lòng, sáng suốt trong trí, tình ngay-thẳng, ý nghiêm-trang, phải có một cái đức-tính sâu và dầy vậy. Cái nhẽ sác-nhiên không phải là kết-quả của đạo-đức, nhưng có đạo-đức mới cảm được nhẽ sác-nhiên.

Đó là gốc của cái phép triết-học ông Descartes, tuy suy rộng ra vô cùng mà rút lại chỉ gồm ở hai chữ đạo-đức. Thế mới biết đạo-đức thực là một mối thiêng-liêng, nó ngụ ở nguồn-gốc mọi sự mọi vật, nó là nơi trung-tâm của mọi sự tư-tưởng. Tinh-thần ta dù muốn mượn cánh chim bằng ông Trang-tử mà tiêu-dao trong giời đất, sớm trưa cũng là phải qui-y về đấy. Phàm cái tư-tưởng gì không lấy đạo-đức làm cốt là hư-tưởng ngụy-tưởng cả. Thánh-hiền ta ngày xưa cũng dậy như thế mà các bực đại-triết bên Âu-châu cũng khuyên như vậy.

Ta nói đến tên triết-học tất nghĩ đến người có đức-tính hơn người. Nhà triết-học xưa nay vẫn là đồng-nghĩa với nhà quân-tử. Người ta thành-tâm mà theo đuổi cái chân-lý thì dù chẳng tới được, cũng là hay thêm người ra. Xưa nay trong lịch-sử thiếu gì kẻ gian-hùng tranh quyền cướp nước, thiếu gì những người nham-hiểm giảo-quyệt, hại người mà mưu sự lợi-lộc cho mình. Nhưng thử hỏi đã từng trông thấy bao giờ một người phẩm-hạnh sằng — dù thông-minh sáng suốt đến đâu nữa mặc lòng — mà nổi danh nhà triết-học không ? Quyết rằng không.

Nếu triết-học vun giồng được mầm đạo-đức, bổ-ích cho việc thế-giáo như thế, thì triết-học cũng nên học mà sách triết-học cũng nên xem vậy.

Kỳ sau bắt đầu dịch sách « Phương-pháp-luận » của ông Descartes.

Phạm Quỳnh.