Bước tới nội dung

Trang:Nam Phong Tạp Chí 2.pdf/3

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
79
LUẬN-THUYẾT

Các cụ đã nhãng bỏ, bọn ta phải chăm-chút. Dám quyết rằng công-phu này không phải là công-phu uổng. Cái chất nôm tuy còn mộc-mạc, như súc gỗ chưa thành đồ, nhưng nếu khéo đẽo khéo trạm thì có ngày trắc gụ cũng nên.

Vẫn biết rằng văn quốc-ngữ ngày nay chưa có cái thú-vị gì khá lấy làm vui được cho những bực cao-sĩ. Ngồi hầu truyện các nhà văn-nhân thi-sĩ nước Tầu nước Tây vẫn còn sướng hơn là để tai nghe những tiếng bi-be của đứa lên ba đất Nam-Việt. Nhưng mà kính-trọng bực tôn-trưởng bao nhiêu tưởng cũng nên phủ-dục cho đứa anh-hài bấy nhiêu mới là phải. Huống chi đứa anh-hài lại là sản-nhi giống Hồng-Lạc, thì cái công phủ-dục ấy lại chẳng nên tăng lên bội-phần dư ?

Bởi vậy mà ngày nay người nào chịu tập văn nôm là làm một việc công-đức, người nào chịu xem văn nôm là làm một việc đại-nghĩa vậy. Cái công-đức ấy, cái đại-nghĩa ấy, những người có tài có trí trong nước ta há lại không nên tận-tâm mà làm dư ?

Nào các nhà tây-học, sau khi các ông đọc xong một truyện hay, lại chẳng nên tự nghĩ rằng : cái truyện này ta thử thuật lại ra tiếng ta cho vợ ta em ta nghe xem năm phần có được một phần không ; đương khi các ông gặp được một cái tư-tưởng lạ, lại chảng nên tự hỏi rằng : cái tư-tưởng này, ta thử đem diễn ra nhời nôm, xem mười phần có được một phần không, cái nghĩa-lý của nó kèm đi bao nhiêu, cái sâu-sắc của nó giảm mất chừng nào. Ông tự nghĩ tự hỏi thế rồi, ông thử cầm bút viết, lần đầu tất còn chưa được thanh-thoát lắm, lần thứ nhì, đến lần thứ ba thì có nhẽ năm phần đã đến được ba mà mười phần đã tới đến bẩy rồi. Thế là đội văn nôm được thêm một xuất tinh-binh, mà thiện-nghiệp của ông được tăng một công-đức mới vậy ! Việc đó tưởng cũng không khó-khăn gì, miễn là có chút hảo-tâm là đủ. Vả các ông cũng có thể tự chắc rằng có công tất có quả, vì một cái tiếng đã dfung để giãi được tính-tình tâm-sự một cô Kiều không phải là tiếng man-mọi gì mà không thể thành văn được.

Lại các nhà nho-học, trong khi các ông bình một đoạn văn hay, nhời gióng-giả như bài biểu ông Trư-Cát, giọng dịp-dàng như bài tựa ông Vương-Bột, khí mát mẻ như bài phú ông Dông-Ba, tình cảm-động như bài văn ông Hàn-Dũ, lại chẳng nên tự hứa trong bụng rằng : ta sẽ cố luyện cho tiếng nôm ta cũng có cái thể-cách nghiêm-trang như nhời văn chữ, để gây lấy một lối từ-chương cho người mình, sau này cũng có thể làm tựa, làm ký, làm chướng đối được như người Tầu. Nếu cái văn-chương mới ấy mà gây-dựng lên được thì cái công-đức của các ông cũng không phải là nhỏ vậy.

Nhờ cả các bực cựu-học tân-học trong nước vun giồng cho thì cái mầm quốc-văn mấy nỗi mà mọc thành cây, sinh hoa kết quả, thêm tốt đẹp