Bước tới nội dung

Trang:Nam Phong Tạp Chí 2.pdf/34

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
110
NAM PHONG

người Anh. Cứ xem qua những sổ tổng-kế ấy thì biết số tầu xuất-nhập các cửa bể nước Anh mỗi ngày hơn 220 chiếc ; trong tháng 2 năm 1915 cứ tính trung-bình thì hai ngày mới phải một chiếc bị trúng thủy-lôi hay trúng đại-bác ; tháng 3 thì mỗi ngày một chiếc ; tháng 4 đã thấy kém bớt đi. Trong số những tầu bị hại ấy phải kể cả những tầu đánh cá nhỏ đi men các bờ bể, kể cả tầu buôn các nước trung-lập, như nước Hà-lan, Thụy-điển, Na-uy. Xem như thế thì biết quân Đức muốn dùng tầu ngầm để thi-hành cái « ám-sát sự-nghiệp » trên mặt bể, thực cũng không lấy gì làm công-hiệu lắm.

Chắc rằng người Đức khởi ra cái lối chiến-tranh « giặc bể » ấy, tất là có ngăn-trở sự giao-thông, hại sinh-mịnh cùng tài-sản người ta. Nhưng xưa nay phàm sự chiến-tranh mà quay lại hại buôn bán thì không có lợi cho cái chiến-cục bao giờ. Nước Anh mất răm ba chiếc thương-thuyền thì có thấm vào đâu. Nhưng nước Đức thì nay phải cách-biệt với thế-giới, tầu nhớn không giám thò cổ ra, ủy cho tầu ngầm cả cái nhiệm-vụ của hải quân. Người Đức không biết rằng cái tầu ngầm dù mạnh bạo đến thế nào cũng chỉ là một bộ-phận rất nhỏ trong sức hải-quân của một nước. Cái sức ấy là cốt ở chiến-hạm nhớn, có thiết-giáp tốt, võ-trang tốt. Cứ cái tình-hình bây giờ thì những tầu nhớn của Đồng-minh tuy không ra khỏi cảng mà thực là hám-chế cả trên mặt bể. Thương-thuyền, chiến-thuyền của Đức vẫn khiếp các hạm-đội Anh mà đành phải đứng yên một chỗ. Tuy có dùng tầu ngầm, nhưng có đổi được cái tình-thế hai bên đâu.

Xem như thế thì biết tầu ngầm tầu lặn tuy là những võ-khí mãnh-liệt, nhưng vẫn là những võ-khí bực nhì mà thôi, cái hải-quyền còn ở trong tay các hải-quân nhớn, chưa dễ mà cướp được ngay. Nếu chế nhiều tầu ngầm mà mong đoạt được cái thế-lực trên mặt bể của một nước như nước Anh, thì chẳng hóa ra dễ lắm ru ? Nước Đức mong đợi ở tầu ngầm nhiều quá, rồi có ngày thất-vọng vì tầu ngầm. Ngày ấy cũng không xa đâu.

Phạm Quỳnh.


CÂY CŨNG CÓ CẢM-GIÁC NHƯ NGƯỜI

Cái cây rất đơn-sơ cũng không có khác hẳn con vật. Hai loài động-vật thực-vật thực là giống nhau, không những giống nhau ở cái phần thô-liệt, mà giống nhau đến cả cái phần tinh-cao nữa. Phàm động-vật có cái giác-quan gì thì thực-vật cũng có cái gần giống như thế. Như động-vật có mắt để trông, thực-vật tuy không có mắt, nhưng có cái lá cảm được ánh sáng ; động-vật có cái da để tiếp-xúc, thực-vật tuy không có da, nhưng có cái mạng cây cũng giống như cái da mà xúc-cảm được.

Một nhà bác-vật người Ấn-độ, Jagadis Chunder Bose tiện-sinh đã thí-nghiệm cái đó, phát-minh ra được nhiều điều rất mới lạ.

Trước hết, tiên-sinh dụng-công chế ra những máy mới rất tinh-nhuệ. Vì muốn biết cái bí-tàng của cây cỏ, tất phải cho nó cái cách để phát-hiện ra cho mình xem. Vậy tiên-sinh cố nghĩ lấy một thứ « bút » cực nhẹ, cực tinh-tế, khiến cho cây-cỏ có thể dùng mà « bút-đàm » được với ta, cho ta được biết cái tâm-sự cành mẫu-đơn hay bông bách-hợp.