TẠP-TRỞ
TRUYỆN NGƯỜI LÍNH BẰNG TUYẾT
Truyện dịch sau này là thuộc về lối « đoản-thiên-tiểu-thuyết » (conte, nouvelle). Lối ấy cũng là một lối hay trong văn-chương tây, các nhà văn-sĩ ta có thể bắt chước mà làm bằng tiếng nôm. Vì lối tiểu-thuyết dài thì hiện nay người nước ta còn chưa đủ tư-cách mà khởi-hành được.
Người lính ấy tôi hẵng tạm gọi tên là anh Chi-lặc, tên ấy cũng hơi giống cái tên thực của anh ta; vì trừ mẹ anh ta chưa ai biết anh ta chết, vậy không muốn thêm nước mắt khác vào cái nước mắt người mẹ khóc con. Nguyên tôi vẫn biết anh ta; anh ta là một người phu coi đường, thường rải đá những con đường ở rừng Phong-đăng-bối-lộ, khéo sửa sang những chỗ đường vòng đường cuốn.
Chợt sẩy ra việc chiến-tranh. Anh Chi-lặc bấy giờ mười tám tuổi, nhưng người bé cỏn con, tựa hồ như một người thu-hình lại, mỗi phần rút lại một tí... Ngày hạ-lệnh động-binh, anh ta bỏ sẻng cuốc một nơi, đeo cái dải lụa lên mũ, đi khua trống trong khắp thành-phố, tay đặp miệng hát, rõ ra giáng một chàng Tí-hon[1] của sự chiến-tranh. Nhưng đến khi ra hội-đồng sát lính, thì quan đại-tướng chủ hội-đồng tủm tỉm cười, các quan thầy thuốc trông anh ta mặt bủng lưng cong cũng cười mà hỏi rằng:
— Anh chàng làm nghề gì?
— Bẩm chúng con làm nghề quét đường.
— Thế thì cả người anh không cao bằng cái sẻng của anh. Đi lính sao được?
— Bẩm chúng tôi thiết tưởng đem thân ra chết cho nước, nhớn nhỏ có hề chi.
Ấy anh Chi-lặc đáp lại như thế. Bất thành nhân mà nói nên câu ấy, người thành-nhân hồ dễ đã mấy người biết nói hơn!
Anh Chi-lặc người sấu sí không được đắc tình với bọn đàn bà, trong bụng chỉ ham mê một điều, là cái vinh-dự, không phải là vinh-dự bởi cái lon đóng ở cánh tay, nhưng vinh-dự bởi cái vết thương đau đớn. Tôi đã từng biết anh ta, tôi có thể tưởng-tượng được cái tâm-sự anh ta lúc bấy giờ.
Trông thấy mấy ông quan hội-đồng nhìn mình có ý chê cười, tất anh ta tự nghĩ rằng:
« Trong lòng ta đây có cái vết thương, như cái hốc chũng trên đường cái. Ta bình sinh gặp cái vũng nào trên đường thường san lấp cho phẳng để tiện người đi lại. Mấy người ngồi đây nếu có bụng tốt cũng nên hàn cho ta cái vết thương ở trong lòng này mới phải, không biết còn đợi gì nữa? »
Mặt anh ta bấy giờ buồn rầu cho đến nỗi một ông quan phải cất tiếng lên nói rằng:
« Thôi cho trúng-cách nhập-ngũ! »
Thế là anh Chi-lặc khỏi cái vết thương ở trong lòng.
- ▲ Tí-hon là tên một chàng trong truyện trẻ con của nhà làm truyện nước Pháp Perrault, người bé nhỏ mà trí khôn-ngoan. Xem tập chuyện Perrault của ông Nguyễn-văn-Vĩnh dịch.