Bước tới nội dung

Trang:Nam Phong Tạp Chí 2.pdf/5

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
81
LUẬN-THUYẾT

MỘT BÀI DIỄN-THUYẾT CỦA QUAN TOÀN-QUYỀN SARRAUT.

Quan Toàn-quyền Đông-dương Albert Sarraut đại-nhân, ngày 2 tháng chạp năm 1916, có diễn-thuyết tại Paris, ở trường nữ-học-đại-học hiệu « Université des Annales », nói về đất Đông-dương. Trong bài diễn-thuyết ấy có mấy đoạn tán các văn-minh cũ của nước Nam cùng khen người dân xứ này, nhời-nhẽ rất là hùng-hồn mà cảm-động, xem đấy thì biết cái trí cao dạ cả của quan đại-thần hiện giữ trọng trách làm chúa-tể đất ta. Vậy xin dịch mấy đoạn ấy ra sau này, cho đồng-hào ta cùng xem, trước là cảm cái bụng quan Toàn-quyền quyến-cố đến dân hèn này, sau là để cho người nước ta biết chân-giá cái văn-hóa cũ của ông cha, kẻo đã vội đem lòng phụ-bạc...

Sarraut đại-nhân trước kể cái phong-cảnh những chốn lăng-tẩm nơi đế-đô, rồi nhân đấy cảm-khái đến cái văn-minh cũ của nước Nam. Ngài nói rằng :

« Muốn giải được cái tâm-hồn của người An-nam, muốn biết sức-mạnh của cái cựu-truyền trong nước lấy việc phụng-sự tổ-tiên làm gốc, muốn hiểu được cái tôn-chỉ cao-thượng của cái tư-tưởng người An-nam, muốn hình-dung được những cuộc vinh-hoa trong lịch-sử văn-minh dân ấy, thì tất phải đã hằng giờ đi dạo chơi thơ-thẩn trong mấy chốn bồng-lai tiên-cảnh, là những nơi lăng-tẩm của các vị đế-vương nước ấy đời xưa, như lăng vua Gia-long, Minh-mạnh, Thiệu-trị, Tự-đức.

« Các ông chớ nghe nói lăng-mộ mà nghĩ đến những cảnh u-sầu thảm-đạm. Chắc là trong cái phong-cảnh sầm-uất mênh-mông, làm nơi nhà mồ cho những bực vua chúa, trong đám cây-cối cỏ-hoa ùm-tum rậm-rạp, có phảng-phất một cái gì buồn lạ, khiến cho cái tư-tưởng ta nghĩ đến những sự tôn-nghiêm cẩn-trọng ; nhưng mà cái buồn ấy là cái buồn đặc-biệt, nó là một cái cảm-tình thuộc về mĩ-thuật, nó có cái khí-vị êm-đềm, dễ gây nên cái lòng tưởng-nhớ, dễ bầy ra cái cảnh trang-nghiêm. Các vua-chúa nước Nam lúc sinh-thời đã chọn sẵn lấy một nơi cảnh-chí cao-thượng, một chốn tạo-vật đã phô bầy để vẻ tốt đẹp, để làm nơi ngủ giấc ngủ sau cùng. Cảnh thiên-nhiên đã có vẻ uy-nghiêm, lại thêm cái nhân-công kỳ-sảo mà gây nên những chốn như chốn « lạc-viên » : vườn rộng bóng cây che rợp, rừng cao cổ-thụ ùm-tum, ao lấp-loáng sắc vàng mầu biếc, hồ ngổn-ngang sen trắng sen hồng ; nào miếu nào điện, nào tượng nào bia, nào đồng-trụ, nào bài-phường, nào đình, nào tạ, nào gác, nào lầu ; đá hoa trong như ngọc, gỗ báu bóng như ngà, sứ men trắng, đồng nước đen ; bốn bề những vườn rộng tịch-mịch mà u-sầm. Trong cảnh lồng-lộng có cái khí-vị bình-tĩnh vô cùng. Chốn này là chốn tôn-nghiêm, người thường không hề được bước chân vào. Ai được vào thăm chốn này đã có người đưa đường kỉnh-trọng.