Trang:Nam Phong Tạp Chí 2.pdf/57

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
133
THỜI ĐÀM

Từ đấy nước Nga mới có một chính phủ nhất-chí, hợp với tình-thế quốc-dân.

Bấy giờ nhân nước Mĩ mới can-thiệp vào cuộc chiến-tranh, xướng lên cái nghị rằng xin các chiến-quốc sát-hạch lại cái mục-đích sự chiến-tranh của mỗi nước thế nào.

Ngày 18 tháng 5, chính-phủ mới nước Nga bèn công-cáo cho liệt-cường biết rằng nước Nga chỉ mong cho tróng được hòa-bình, không định cướp đất nào, không định lấy lợi gì, chỉ cốt bảo-tồn cho các dân-tộc được quyền tự-chủ mà thôi.

Từ đấy tuy quân Đức hết sức vận-động để khiến nước Nga hòa riêng, mà chính-phủ Nga nhất-định không nghe, thực là một lòng trung-thành với Đồng-minh.

Bọn đương-đồ bên Đức thấy đảng cách-mệnh Nga đã tỉnh-ngộ, không chịu nghe mình khuyên-dỗ nữa, lấy làm căm-tức lắm, bèn lại gấp sức lên, đem người đem tiền sang mà vận-động để thu lấy cái thế-lực cũ. Lenine đứng đầu đảng « quá-kích-cách-mệnh » (révolutionnaires maximalistes) đã tư thông với Đức, dùng cách bạo-động để xướng lên sự hòa riêng với Đức. Quân-lính ở trận-tiền cũng nghe nhời đảng ấy, tự nghĩ rằng như thế thì sự chiến-tranh không có mục-đích nữa, chẳng nên liều thân làm gì. Có nơi quân lùi về không đánh nữa. Quân Đức nhờ được thế, rút quân mặt Nga về đánh mặt Pháp, ngăn-trơ công-thế của quân Pháp-Anh.

May bấy giờ chính-phủ có được ông Kerensky lĩnh-chức lục-quân tổng-trưởng. Ông bèn thân-chinh ra nơi hàng trận diễn-dụ cho quân lính nghe. Đến cuối tháng 6 thì tình-thế đã bớt nguy. Nhưng chính-phủ không ngờ rằng còn đảng « cực-đoan cách-mệnh » (extrémistes), chịu mệnh-lệnh tự Berlin (Bá-lâm) mà vẫn đương vận-đọng để phản nước. Mục-đích Đức là muốn dùng đảng ấy để phá-đổ chính-phủ Nga đã làm hỏng mưu mình.

Kịp đến khoảng tự 15 đến 20 tháng 7, là cái thời-kỳ rất nguy cho nước Nga. Cái mưu nước Đức tuy bị hỏng lần trước, mà lần này thực là khéo bày.

Ngày 16 tháng 7. một bọn quân-lính nghe nhời đảng cách-mệnh, khởi loạn lên ở Petrograd, định bắt các viên chính-phủ, cướp nhà kho-bạc cùng các nhà ngân-hàng. Cái cớ sự khởi-loạn ấy là chính-phủ mới gửi mấy quân-đội ra trận-tiền. Bọn lính thủy đóng ở cửa Cronstadt cũng theo mà khởi loạn như thế.

Trong lúc bấy giờ quân Nga ở hàng trận Galicie không chịu theo tướng-lệnh, nhất-định lùi về không đánh. Quân Đức cứ việc tràn vào, tiến đến thành Tarnopol.

Đương buổi quá nguy ấy, Kerensky cùng các viên chính-phủ lại hết sức hùng-cường mà chống-đối lại. Ngày 20 tháng 7 trấn-đoạt được sự khởi-loạn, sai quân hậu-vệ ở Galicie cố ngăn quân Đức không tiến lên được nữa, phàm tên quân nào lùi một bước là bắn ngay tức thì, không tha.

Nước Nga trong khoảng mấy ngày ấy thực đã qua nhiều buổi cực thảm. May sao mà lại thoát nạn được. Tự ngày 20 tháng 7, trong thành Petrograd lại được yên-ổn như thường. Kerensky từ nay thành bực anh anh-hùng cứu nước, lên làm thủ-tướng, thu hết quyền chính-trị trong tay. Bao nhiêu bọn cách-mênh về đảng với Đức bị bắt hết, phát-giác nhiều giấy má chứng rằng bọn ấy đã bán nước cho Đức, giấy đem công-bố cho quốc-dân biết.

Song về đường quân-sự cái tình-thế vẫn còn chưa được tốt lắm. Quân Nga ở Galicie cùng Bukovine phải lùi về saư đường sông Dniester, cái kết-quả của sự thắng-lợi mấy tháng trước mất cả.