Trang:Nam Phong Tạp Chí 2.pdf/65

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.

TIỂU-THUYẾT


TRUYỆN CÁI DẤU ĐỎ[1]

Tiểu-thuyết Pháp của Alfred de Vigny

Phạm Quỳnh dịch ra quốc-ngữ


CHƯƠNG THỨ NHÌ


Truyện cái dấu đỏ

Trước hết tôi phải nói cho chàng[2] biết rằng tôi đẻ ở thành Bối-lôi-ti-đức. Cha tôi làm lính vệ-binh, cho nên từ năm lên chín tuổi tôi đã vào làm lính-tập con, được nửa xuất lương ăn, nửa xuất lương tiền. Nhưng tính tôi thích đi bể lắm; có một đêm được nghỉ ra chơi thành Bối-lôi-ti-đức, tôi trốn xuống dưới gầm một chiếc tầu buôn đi Ấn-độ. Ra đến giữa bể người ta mới trông thấy tôi, viên thuyền-trưởng không nỡ ném tôi xuống bể, cho tôi làm tên thủy-thủ con. Kịp đến đời Cách-mệnh thì tôi đã nên sự-nghiệp rồi, cũng làm thuyền-trưởng một chiếc tầu-buôn nhỏ, tầu coi cũng sạch-sẽ mà đã « quấy bọt bể »[3] trong mười lăm năm. Bấy giờ trong thủy-quân cũ của nhà vua, bỗng khuyết mất nhiều quân-quan, phải lấy trong bọn thuyền-trưởng các tầu buôn để thay chân vào. Nguyên khi đi bể tôi có làm được mấy cái thủ-đoạn, sau này tôi sẽ kể cho chàng nghe: bởi thế người ta mới cho tôi coi một chiếc chiến-thuyền hiệu là Mã-lạp.

Ngày 28 tháng 12 năm 1797 tôi được lệnh sắp tầu đi Cai-yên, chở 60 tên lính với một tên phải tội đi đầy, tên ấy là thuộc vào số 193 người phải tội tầu Đức-cát-đức đã mang đi mấy hôm trước. Tôi được lệnh phải đãi tên ấy một cách khoan-dung. Trong cái thư của tòa « Giám-quốc phủ »[4] gửi cho tôi lại có một cái thư nữa ngoài bao thư đóng ba dấu đỏ, ở giữa lại có một dấu nữa to quá chừng, có lệnh cấm không được mở cái thư ấy trước khi đi đến đường vĩ-độ thứ nhất, kinh-độ thứ 27, 28, tức là gần đường sích-đạo.

Thư ấy to nhớn, trông nó có một hình-giạng riêng. Nó dài, đóng thật kín, nhìn chỗ khác, hoặc soi qua phong-bì cũng không đọc thấy chữ gì. Tôi không có tính mê-tin, nhưng trông thấy cái thư ấy mà ghê. Tôi để nó xuống dưới nắp pha-lê một cái đồng-hồ nhỏ kiểu nước Anh cheo ở trên đầu giường trong buồng tôi. Cái giường ấy thật là cái giường của con

  1. Xem Nam-phong số thứ 1.
  2. Người làm sách bấy giờ còn tuổi trẻ. Viên trung-tá trước gọi là ông nay gọi là chàng là có ý đã thân rồi.
  3. Quấy bọt bể nghĩa là đã đi bể nhiều.
  4. Giám-quốc phủ là chính-phủ ở nước Pháp về thời đại Cách-mệnh, từ năm 1795 đến năm 1797. Sau bị Nã-phá-luân phá đổ. Chính-phủ ấy cũng không có tiếng tốt trong lịch-sử, được có mấy năm mà việc nước ở trong ở ngoài đều không được lợi cả.