Trang:Nam Phong Tap Chi 1.pdf/10

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
6
NAM PHONG

— Mục « Luận-thuyết » là những bài bàn chung về các vấn-đề quan-hệ với thời-thế, nhất là những vấn-đề quan-hệ riêng với dân ta. Cái mục-đích những bài luận-thuyết ấy là cốt khiến cho người nước ta có một cái quan-niệm phân-minh chính-đáng về những vấn-đề ấy, để lý-hội thông-hiểu được việc nhớn trong thế-giới cùng trong nước nhà.

— Ba mục « Văn-học », « Triết-học », « Khoa-học » là cái phần cốt trong bản-báo. Cái thể là thể bình luận, nghĩa là bàn rộng để mà lĩnh-hội lấy cái nghĩa nhớn. — « Văn-học » là gồm những khoa văn-chương, lịch-sử, cùng đại-để các môn-học thường gọi tổng-danh là văn-học. Mục này thường nhân những sách hay, hoặc sách cũ, hoặc sách mới, mà bàn rộng ra để thâu-nhặt lấy những tư-tưởng ý-kiến mới mà hay ; lại hoặc lược, hoặc dịch, hoặc diễn-thích mà giới-thiệu cho người nước ta biết những sách-vở có danh tiếng trong văn-chương các nước đời xưa đời nay, nhất là văn-chương nước Pháp là cái văn-chương ta có thể trực-tiếp mà lĩnh-hội cùng thưởng-giám được. — « Triết học » là nghiên-cứu các lý-tưởng, lý-thuyết, đời xưa đời nay, so-sánh cái tư-tưởng của Tây-phương với cái tư-tưởng của Đông-phương, mà giúp cho sự đề-xướng một cái tư-trào riêng cho nước ta. Trong những bài bình-luận về triết-học này chúng tôi lấy cái « triết-trung chủ-nghĩa » làm cốt, nghĩa là không thiên về một cái học-thuyết nào, cái nào hay cũng thâu nhặt lấy. Nhưng cái tôn-chỉ của chúng tôi là giúp cho sự tiến-bộ của quốc-dân về đường trí-thức, về đường đạo-đức, thì tất khuynh-hướng về cái « duy-tâm chủ-nghĩa » hơn là cái « duy-vật chủ-nghĩa », « duy-tha chủ-nghĩa » hơn là cái « duy-kỷ chủ-nghĩa ». Vậy về đường tư-tưởng chúng tôi thiên-trọng cái triết-học của nước Pháp, vì cái triết-học Pháp thực là gồm cả bấy nhiêu cái khuynh-hướng « duy-tâm », « duy-tha », mà thực là đáng làm mẫu cho cái tư-tưởng mới của ta. « Khoa-học » tức là gồm cả các khoa-học chuyên-môn (vật-lý học, hóa-học, bác-vật học, sinh-lý học, số-học, thiên-văn học, địa-chất học, v. v.), cái phạm-vi rất là rộng. Cái mục-đích của chúng tôi không phải là muốn chuyên-luận riêng về từng khoa một, mà làm như một lớp dạy cách-trí đâu. Các khoa-học, ngày nay mỗi ngày một nhiều, mỗi ngày một thêm phức-tạp, dẫu người đại-trí dụng công nghiên-cứu suốt đời cũng không thể biết khắp được. Bởi thế các khoa-học mới thành những khoa chuyên-môn, nhưng vì chuyên-môn quá lắm khi các nhà chuyên-môn lạc mất cái nguyên-lý, cái phép-tắc nhớn, mỗi người có cái thiên-ý xét sự-vật theo phương-diện riêng của môn học mình. Chúng tôi muốn bàn chung về cái nguyên-lý, cái phép-tắc ấy, bàn chung về cái phương-pháp của các khoa-học, nghiên-cứu những nguyên-nhân nó đã khiến cho các khoa-học phát-đạt thịnh-hành như thế, thuật lại cái lịch-sử các khoa-học sinh-thành tiến-hóa ra làm sao, cùng cái lịch-sử của các sự phát-minh chế-tạo nhớn trong khoa-học giới. Mục này cũng có những bài chuyên-luận về những vấn-đề riêng của một khoa-học nào, nhưng đều là theo một cái tôn-chỉ cai-quát như thế cả.

— Mục « Văn-uyển » là để riêng cho những bài vận-văn, tản văn, từ-phú, ca-khúc, v. v. bằng quốc-âm cùng bằng chữ nho. Mục này sẽ rộng mở để hoan-nghênh các nhà văn-sĩ mới nước ta, nhất là những nhà đã khéo đào-luyện cái chất nôm mà mở đường cho một lối văn-chương riêng bằng quốc-ngữ. Chúng tôi mong ở các nhà văn-sĩ mới ấy lắm, vì bao giờ nhời nôm ta có được « bằng nhập-tịch » vào cõi văn-chương thì sự học trong nước mới có cơ phát-đạt lên được, văn-chương vốn là cái máy truyền-đạt tư-tưởng rất nhậy !