Bước tới nội dung

Trang:Nam Phong Tap Chi 1.pdf/31

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
27
VĂN-HỌC BÌNH LUẬN

di-truyền của đời trước. Người ấy hốt-nhiên cũng phải ra đối-đãi với cái chết. Nhờ có cái quan-niệm di-truyền ấy mà thuận-nhận ngay cái chết được, lấy cái chết làm cái vật để tự luyện mình, coi cái chết như cái dịp tăng-tiến cho mình, tăng-tiến cho kẻ khác. Cái « cảm-tình hồn » của mình cũng thích hợp với cái chết, vì mình có thể đem hiến cái đau khổ của mình làm hi-sinh để cứu giúp cho kẻ thân yêu. Cái « trí-thức hồn » của mình cũng thích-hợp như vậy, vì mình có thể nhẫn nhục mà giữ được cái phần hay trong người mình. — Xét như thế thì khác nào như hai người cùng phải ra quyết-đấu với cái chết, một người cương-cường mà chịu thua, một người nhu-thuận mà được thắng, một người thì coi cái chết là một sự tai-hại mà ruồng-rẫy, một người thì coi cái chết là một sự thành-tựu mà hoan-nghênh. Trong hai cách đối-đãi cái chết ấy thì nhà làm sách phán-đoán ra làm sao ? Nhà làm sách nói : Trong hai cách ấy bất luận rằng cái nào là chân-chính, cái nào là không, cũng phải nhận rằng một cái thì hữu-dụng, một cái thì không. Cái hữu-dụng ấy là cái cách đối-đãi của người « nhu-thuận », tức là của viên thiếu-úy trong truyện vậy. Thế nào gọi là hữu-dụng ? Hữu-dụng nghĩa là được việc cho mình, được việc cho người khác. Thử xét cách chết của viên thiếu-úy có phải là gồm cả hai điều ấy không ? Không những lấy cái chết làm một sự tăng-tiến cho mình, mà lại coi cái chết là một dịp cứu giúp cho kẻ khác. Đương lúc thế-giới đa sự, quốc-bộ gian nan, dù người không tin cái thần-lực của tôn-giáo cũng phải chịu rằng cái cách chết ấy là tiện hơn, là hợp thời hơn cả.

Cái kết luận dản dị mà có ý vị thay ! Nhưng đến được đấy tất phải vượt qua cái sông « Hoài-Nghi » mà bước sang bờ « Tín-Ngưỡng ». Người đời nhiều người lấy bước đường ấy làm rất khó khăn. Cho hay ở đời một cái lý-thuyết hay cũng chưa đủ mà cảm-phục được người ta vậy !

Cái mục-đích chúng tôi trong những bài bàn này là muốn giới-thiệu những sách văn-chương hay của Âu-châu cho người nước ta biết. Lần này chúng tôi bàn riêng về bộ tiểu-thuyết « Nghĩa cái chết », vì sách ấy xuất-bản năm 1915, đương buổi chiến-tranh, đã ảnh hưởng sâu trong dư-luận nước Pháp. Sách ấy nghiên-cứu một cái vấn-đề xưa nay người nước ta chưa xét đến bao giờ, mà giải cái vấn-đề ấy ra một phương-diện thực là mới lạ cho tai-mắt ta. Chúng tôi đã cố giải cho dễ hiểu, nhưng cũng tự biết rằng còn lỗ-mỗ lắm. Có lắm cái tư-tưởng cảm-giác không tài nào diễn ra tiếng ta cho minh-liệu được. Cho hay cái quốc-văn ta mới nở còn non-nớt chưa đủ sức mà ra vẫy-vùng trong bể ngôn-luận. Bởi vậy mà ta phải luyện cho nó có cái tư-cách ấy. Bài này cũng tức là một bài tập-luyện như thế. Tưởng các nhà đọc-báo cũng lượng biết cho.

PHẠM QUỲNH