Trang:Nam Phong Tap Chi 1.pdf/45

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này cần phải được hiệu đính.
41
TRIẾT-HỌC BÌNH-LUẬN

về đường mĩ-thuật đạo-đức tôn-giáo có còn đủ thế-lực mà hạn-chế được cái lòng ham muốn của cải, thì sự quân-bình ấy mới có thể có được. Ví những nhà mĩ-thuật, nhà lịch-sử, nhà triết-học, nhà tôn-giáo, nhà văn-học cùng với bọn thượng-lưu xã-hội hiểu mà cảm biết cái nghĩa-vụ nhớn nhao của mình trong thời-thế bây giờ là phải cầm giữ trong lòng người những cái đê đã dựng lên để ngữ cái sóng dữ dội quá của sự tiến-bộ ngày nay, ví ai cũng cảm biết như thế, thì biết bao nhiêu những công việc thuộc về trí-thức ngày nay hoặc nhãng bỏ, hoặc khinh rẻ, hoặc biến hẳn thành những nghề nghiệp thường, rồi có ngày hồi-phục lại mà thành những thiên-chức cao-thượng ! Mà nếu đã có cái quan-niệm rằng cái nghĩa-vụ ấy trong xã-hội nhớn nhao là nhường nào, thì phàm những công việc thuộc về trí-thức ấy, ngày nay còn đương suy-vi, đến bấy giờ cái thế-lực tất tăng lên biết bao nhiêu ! Ta lại thử xét cái vấn-đề về « cổ-điển học-vấn », cái vấn đề ấy trên tôi đã nói quá, nay tôi lại nói đến nữa, vì trong khi du-lịch Mĩ-châu tôi hằng nghĩ ngợi đến, các ông tất cũng hiểu vì cớ gì ; vậy thì cái cổ-điển học-vấn ấy ngày nay có chịu rút lại cho vừa phải những cái hình-thức của mình thuộc về khoa-học, mà hồi-phục lấy cái tính-cách cũ thuộc về mĩ-thuật, về văn-chương, tức là sự học-vấn ấy có biết bồi-dưỡng cho trong trí người ta bao giờ cũng có một cái tuyệt-phẩm lý-tưởng về sự tốt đẹp, có thế thì mới có cái cơ lại thịnh-hành như xưa được. Nhưng ngày nay cũng không có thể giở lại hẳn cái « cổ-điển chủ-nghĩa » như đời xưa được nữa. Hi-lạp cùng La-mã không thể coi là cái mô-phạm tối cao, cái mẫu độc-nhất-vô-nhị của sự tốt đẹp nữa. Thời-thế đã thay đổi đi rồi, thế-giới không thể chịu được một cái kỷ-luật về sự « thẩm-mĩ » chật hẹp mà nghiêm ngặt như thế nữa. Nhưng mà Hi-lạp cùng La-mã vẫn phải coi mà vẫn nên coi là một cái mô-phạm cổ nhất, danh-dự nhất trong nhiều cái mô-phạm khác nữa. Những mẫu của Hi-lạp cùng La-mã đã sáng nghĩ ra, cái thế-lực nó trong lịch-sử thế-giới đã to nhớn vô cùng, nó đã từng giúp được bao nhiêu lần, bao nhiêu quốc-dân ra khỏi vòng giã-man, biết lấy sự hạn-chế mà quan-niệm được những điều tuyệt-mĩ, chân-lý, công-nghĩa ; bởi thế cái nghĩa-vụ ta ngày nay là phải gìn giữ cho những cái mẫu ấy nó khỏi mòn mõi mất ở trong trí ta, để khi nào có cần đến nó, nó còn giúp cho ta được việc nữa. Mà muốn giữ cho nó sống bền thì phải đặt ra những trường học dạy cho người biết hiểu nó, biết cảm nó. Vì rằng không có cái lý-tưởng nào là tuyệt-đích, là vĩnh-viễn, là tất-yếu cả ; cái nào cũng do một sự hạn-chế người ta tự đặt ra, mà bởi thế chỉ có được nhất thời ; nó cũng tựa hồ như những cái tia sáng nhỏ, tự cái ánh sáng nhớn vô cùng nó bao bọc ta mà bắn ra vậy. Nếu người ta không biết cố giữ lấy nó thì nó được một chốc nó lại qua đi.... Ngày nay ta cẩn trọng mà sưu-tập lấy những vết tích đời xưa, nhưng ngày xưa có lắm đời phá tượng đốt sách ; cái sự phá-hoại ấy ngày nay cũng có thế tái-hành lại được, tuy không đến nỗi dữ bằng đời xưa mà thôi. Đến ngày thế-giới không còn biết cảm cái đẹp của những tượng Hi-lập nữa, thì chất đầy những tượng Hi-lạp vào các nhà Cổ-vật-quán mà làm gì ? Đến ngày chỉ trừ mấy nhà chuyên-môn còn không ai đọc đến sách cổ nữa thì in lại những sách cổ cho thật kỹ lưỡng đẹp đẽ mà làm gì ? Chính là bởi ngày nay ở đất Mĩ-châu to nhớn, cái thần lửa lại sắp làm thần chúa-tể của loài người ta như về đời thượng-cổ mới có lịch-cử, chính là bởi thế mà vì cái phép quân-bình thì ở Âu-châu cùng ở Mĩ-châu tất phải có một bọn ít người cao-thượng kính trọng mà thờ những vị thần văn-nghệ, khiến cho trong cái đám xôn xao những tiếng máy móc om sòm cả thế-giới còn có một bọn người ấy biết cảm thú cái tiếng đàn êm-ái trong câu thơ ông Virgile.

Ph. Q dịch.