Bước tới nội dung

Trang:Nam hoc Han van khoa ban.pdf/5

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.
TỰA

Chữ nho nguyên là chữ Tầu (Chine). Từ ông Sĩ-Nhiếp sang làm quan Thứ-sử Giao-châu, mới đem chữ ấy dạy ta.

Đã mấy nghìn năm nay trong nước ta học một thứ chữ ấy. Nếu là con giai, khi còn bé ai cũng đi học, từ bậc cao-minh cho đến bậc ngu-hèn, chẳng nhiều thì ít, ai cũng biết chữ nho. Trong khi ứng đối, nước ta thiếu tiếng gì, thường đem chữ ấy thay vào, mà thanh-âm theo hơi nam, không giống như tiếng quan-hoại của Tầu nữa. Nay dùng đã quen, gần thành ra chữ bản-quốc.

Vậy thì chữ nho là gốc chữ quốc-ngữ, ai là chả biết. Nếu muốn văn quốc-ngữ hoàn-toàn thì phải học chữ nho.

Nhưng khi trước đi học chuyên một thứ chữ, mà không hạn tuổi, cho nên có thể học rộng và học kỹ được. Bây giờ học nhiều thứ chữ và học nhiều thứ, mà thi lại hạn tuổi, nếu học như trước thì không đủ thì giờ.

Bởi vậy muốn học cho chóng biết thì phải theo như cách học chữ tây. Tôi trộm nghĩ thế, mới theo lối sách tây mà làm ra sách này, cốt để cho các bậc tuổi-trẻ nước ta có sách mà khảo cổ, gọi là NAM-HỌC-HÁN-VĂN-KHOÁ-BẢN.

Ai học sách này, xin xem phàm lệ tôi đã dặn ở dưới này, mà nhận cho tinh thì cũng có ích được ít nhiều đấy.