ông lại lấy chữ trí-tri cách-vật trong sách Đại học làm cơ-sở cho cái thuyết trí-lương-tri của ông, vậy nên nói rằng: « Ta nói trí-tri cách-vật, là trí cái lương-tri của tâm ta ở sự sự vật vật. Lương-tri của tâm ta tức là cái gọi thiên-lý vậy. Trí cái thiên-lý trong lương-tri của tâm ta ở sự sự vật vật, thì sự sự vật vật đều được cái lý. Trí cái lưong-tri của tâm ta là trí-tri vậy; sự sự vật vật đều được cái lý, là cách vật vậy.» (Ngữ-lục, II). Cái công-phu của sự trí lương-tri ở sự cách-vật. Cách-vật là khiến cho các sự vật được đúng thiên-lý. Ông nói rằng: « Ta dạy trí lương-tri là phải dụng công ở cách-vật, ấy là sự học-vấn có căn-bản, càng ngày càng tiến thêm, càng ngày cáng biết rõ-ràng. Thế nho thì dạy tìm kiếm ở các sự vật, ấy là sự học-vấn không có căn-bản, giống như cây không có gốc, lâu thành ra tiều tụy.» (Ngữ-lục III).
Cái gốc của vạn vật là thiên-lý. Người ta sinh ra, ai cũng có một phần thiên-lý, là phần thiêng-liêng sáng-suốt của ta, tức là lương-tri vậy. Lương-tri thì người hiền kẻ ngu ai cũng có như nhau cả, chỉ khác là người hiền thì giữ được cái lương-tri sáng suốt, mà kẻ ngu thì để nó mờ tối đi mà thôi. Bởi vậy nói rằng: « Phàm cái lương-tri, lương-năng thì đứa ngu phu ngu phụ cũng giống như thánh-nhân, nhưng thánh-nhân trí được cái