Trang:Nho giáo 4 Trần Trọng Kim.pdf/115

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Có vấn đề khi hiệu đính trang này.

113
NHO-GIÁO


lòng dục làm lay động, lòng tư làm che lấp, mà sự lợi hại đánh lẫn nhau, sự tức giận khích lẫn nhau, thì hại vật nát loài, không cái gì là không làm, rồi đến cả cốt nhục tương tàn, mà cái nhân « nhất-thể » mất vậy. Thế cho nên nếu không bị tư-dục che lấp, thì tuy là cái tâm của kẻ tiểu-nhân, nhưng cái nhân « nhất-thể » cũng như bậc đại-nhân vậy; nếu đã có tư-dục che lấp, thì tuy là cái tâm của bậc đại-nhân, nhưng sự chia cách hẹp-hòi cũng kẻ tiểu-nhân vậy. Bởi thế cái học của bậc đại-nhân cốt bỏ cái che lấp của tư-dục, để tự sáng lấy cái đức sáng, phục lại cái « gốc thiên địa vạn vật nhất thể », mà không phải là ở ngoài cái bản thể ấy có thể bù thêm được cái gì khác vậy. »

— « Sao lại cốt ở thân-dân? »

— « Minh minh-đức là để lập cái thể « thiên địa vạn vật nhất thể »; thân-dân là để đạt cái dụng « thiên địa vạn vật nhất thể ». Cho nên sáng cái đức sáng cốt ở thân-dân, mà thân-dân là để sáng cái đức sáng vậy. Thân cha ta đến cha người, đến cha người thiên-hạ; thân anh ta đến anh người, đến anh người thiên-hạ; cái lòng của ta có nhân cùng phụ huynh làm nhất-thể như thế, thì rồi cái đức hiếu đễ mới sáng vậy. Vua tôi, vợ chồng, bạn hữu cho đến núi sông, quỉ thần, chim muông, cỏ cây, không đâu là không có