Trang:Nho giáo 4 Trần Trọng Kim.pdf/129

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Có vấn đề khi hiệu đính trang này.

127
NHO-GIÁO


của mình; ganh được thua nhau bằng sự phẫn nộ, mà còn bảo rằng tuẫn nghĩa; đánh đổ nhau bằng sự hiểm độc, mà còn bảo rằng tật ác; ghen người hiền, ghét kẻ tài, mà còn tự cho là công thị công phi; rông-rỡ về tình-dục mà còn tự cho là đồng hiếu ố; lấn nhau, hại nhau, thân ngay như cốt nhục một nhà, đã có cái ý nhĩ ngã thắng phụ, cái hình bỉ thử phiên li, phương chi thiên-hạ lớn, dân vật nhiều, coi là nhất thể làm sao được! Bề bộn, rối rít, họa loạn, không bao giờ hết, lại còn lạ gì!

« Tôi thực nhờ cái thiêng-liêng của Trời, ngẫu-nhiên biết được cái học lương-tri, cho là phải theo đó mới có thể trị được thiên-hạ, cho nên hễ nghĩ đến sự đắm đuối của dân, thì buồn bã đau lòng, nghĩ cách để cứu vớt, quên cả cái sức hèn mọn của mình, thế cũng là bất tự lượng vậy. Người thiên-hạ thấy thế bèn chê cười và chế bác, cho tôi như thể là người cuồng bệnh táng tâm. Than ôi! dầu thế nào cũng chẳng quản, ta đang đau đớn thiết đến thân, vội kể gì đến lời khen chê của người. Thường thấy có người, cha hay là con, anh hay là em, ngã xuống vực sâu, thì kêu gào cuồng cuống, trần truồng lăn lóc, dòng dây từ chỗ cao thẳm để xuống cứu vớt lên. Người đứng bên cạnh, đang cùng nhau vái nhường, nói