Trang:Nho giáo 4 Trần Trọng Kim.pdf/133

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

131
NHO-GIÁO


thêm những ý-kiến về cái học của Dương-minh.

Lưu Trấp-sơn đời Minh-mạt nói rằng: « Tiên-sinh thừa cái học đã mất về từ-chương huấn-hỗ, quay trở lại cầu ở cái tâm, mà được cái « giác » của tính, gọi là lương-tri, rồi nhân đó đem dạy người ta cái cốt-yếu về sự cầu-đoan và dụng-lực, goi là trí-lương-trí. Lương-tri là tri, thì cái tri không bó buộc ở trong sự kiến-văn; trí-lương-tri là hành, thì cái hành không ngưng trệ ở một chỗ, một góc. Gọi là tri, là hành, là tâm, là vật, là động, là tĩnh, là thể, là dụng, là công-phu, là bản-thể, là thượng, là hạ, không có cái gì là không ở cái một, để chữa cái bệnh chi-li huyễn-vụ, chuộng văn-hoa mà tuyệt căn-bản của học-giả. Có thể gọi là cái sét đánh làm tỉnh giấc mê, ngôi sao sáng làm tan bóng tối. Từ họ Khổng họ Mạnh đến giờ chưa tầng có cái học thâm-thiết và sáng-sủa như thế. Chỉ có đối với cái thuyết của Chu-tử thì có điều không hợp, mà lại cực lực biểu-chương Lục Tượng-sơn. Có người nghi rằng cái học của tiên-sinh do Thiền-học mà ra. Thiền-học thì tiên-sinh vốn trước có học, nhưng sau biết cái học ấy không phải, thì đã bỏ đi rồi. Cái một là thành vậy, là đạo trời vậy; thành được cái đạo ấy là minh vậy, là đạo người vậy, là trí-lương-tri vậy.