người ta mà ra; vô thiện vô ác là phần tuyệt-đối, tự-nhiên, tự-tại, cho nên phải là chí-thiện. Cũng vì thế mà có chỗ ông lại nói: « Chí-thiện vô ác là cái bản-thể của tâm », ấy chính là ông đã hiểu đến chỗ cực cao cực xa trong cái học của Dương-minh, chứ không phải là ông nói mỗi lúc một khác. Vì học-giả không đạt tới chỗ ấy, cho nên mới thành ra có nghị-luận.
Luận-giả lại hỏi rằng: « Lấy cái thuyết « tứ vô 四 無 » mà bàn, thì cái công-phu chính-tâm trong Đại-học, phải theo thành-ý mà vào, nay nói rằng: theo cái tâm mà lập căn, ấy là không cần đến ý nữa. Nếu bảo rằng theo ở cái ý mà lập căn, ấy là cái thuyết lập ra cho hạng trung-nhân và hạ-nhân; thế thì cho Đại-học có hai cái công-phu khác nhau hay sao? hay là chỉ vì hạng trung-nhân và hạ-nhân mà lập giáo hay sao? » Thiết tưởng sách Đại-học là nói chung sự học của người; đã là người thì tất phải có cái ý, cho nên phải nói thành-ý rồi mới chính-tâm được. Long-khê theo cái phần cao của Dương-minh nói cái bản-thể của tâm, tất là không thể không nói vô thiện vô ác. Vô thiện vô ác là chí-thiện, tức là cái cực-điểm của sự học trong Đại-học. Học-giả phải tùy cái thiên-tư của mình mà thể-nhận: ai có thiên-tư tốt, tức là có cái lợi-căn, thì hiểu thẳng ngay đến