Trang:Nho giáo 4 Trần Trọng Kim.pdf/161

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

159
NHO-GIÁO


Cái nghĩa câu ấy của Dương-minh so với cái nghĩa ở trong sách Đại-học Trung-dung, thì thận-độc tức là thành-ý, nhưng ông không theo tiên nho nói rằng: « Ý giả tâm chi sở phát 意 者 心 之 所 發 », mà lại nói là: « Ý giả tâm chi sở tồn 意 者 心 之 所 存 ». Theo cái tư-tưởng của ông, thì tâm người ta ở trong khoảng gang tấc, mà đạt ra khắp hết cả, có cái tượng như Thái-hư. Hư 虛 sinh ra linh, linh 靈 sinh ra giác, giác 覺 có cái chủ, ấy là ý 意. Tâm thì hư-linh mà hay biến, ý thì có định-hướng mà chứa được nhiều, cho nên ý là chủ-tể của tâm. Lấy chỗ « tịch-nhiên bất động » của tâm mà xét, thì chỉ có trơ trọi một cái linh-thể « bất lự nhi tri », tự làm chủ-trương, tự khiến sự sinh hóa, cho nên mới lấy đó mà gọi là « độc ». Cái « độc » ấy là ý, là chủ-tể của tâm, thì sự học là phải « thận » ở chỗ ấy, ắt thấy rõ cái tâm vậy.

Ông theo cái tôn-chỉ ấy mà nói rằng: « Tri vô bất lương, chỉ thị độc tri nhất điểm 知 無 不 良,只 是 獨 知 一 㸃: Cái tri thì không có gì là bất lương, chỉ cốt có một điểm độc tri. » Độc tri là biết cái độc-thể làm chủ-tể trong tâm. Biết được rõ cái độc-thể ấy, tức là giữ còn cái tâm vậy. Cho nên ông lại nói rằng: « Tâm vô tồn vong, đãn li độc vị tiện thị vong