Bước tới nội dung

Trang:Nho giáo 4 Trần Trọng Kim.pdf/173

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

171
NHO-GIÁO


Cái khí-chất có cái bất tề thật, như sinh ra có ngu, trí, thanh, trọc, song người cực ngu, cực trọc, chưa tầng không biết yêu thân kính trưởng, ấy là cái thể « kế thiện », không vì ngu trọc mà không còn, vậy thì khí-chất không phải là bất thiện.— Về cái tâm, thì ông bảo rằng nhân-tâm và đạo-tâm không phải là hai thứ tâm. Người là người là bởi cái tâm, tâm là tâm là bởi cái đạo. Trong cái nhân-tâm chỉ có một cái đạo-tâm của lý-nghĩa, chứ không phải là ngoài cái đạo-tâm, có một thứ nhân-tâm của hình-khí. Bởi vì người đời sau đã cho là có cái tính khí-chất, thì lấy cái ở khí-chất phát ra làm cái tâm của hình-khí, và lấy cái có đủ ở trong tâm, như các tri-giác, đem hợp với lý-nghĩa, rồi gọi là đạo-tâm, cho nên phải xét cho tới đến cùng cái lý của trời đất vạn-vật, chứ không nên cho là thuần chỉ có một cái tâm của mình mà thôi. Nếu như cái thuyết ấy, thì người ta sinh ra chỉ có tri-giác chứ không có lý-nghĩa; chỉ có nhân-tâm, chứ không có đạo tâm. Nếu không phải như thế, thì lại là hai tâm lẫn lộn mà sinh ra một lúc. Hoàng Lê-châu bàn cái học của ông, nói rằng: « Thiên-hạ mờ tối đã lâu vì cái thuyết nói về ba điều mạnh, tính và tâm ấy, nhờ có ông mà mây mù mở ra, thật là ông có công với Mạnh-tử vậy.»