Trang:Nho giáo 4 Trần Trọng Kim.pdf/19

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

17
NHO-GIÁO


nên đấng nhân-quân lấy sự biết người làm quí, Nếu đã không biết người mà muốn phòng cái dối của người, thì dầu vua Nghiêu và vua Thuấn cũng không làm thế nào được, — c) Sự dùng người hiền. Người hiền gặp thời không hợp, thường lấy sự ẩn-dật làm vui. Nếu đấng nhân-quân có biết đến, mà cách vời đón người ta và cách sai khiến người ta rẻ-rúng như tôi tớ, thì người hiền không thèm ra. Hoặc lấy lễ mạo tiếp đãi người hiền mà không dùng được, hoặc dùng lời nói của người hiền rồi lại để cho kẻ tiểu-nhân dèm pha, thế là chỉ có cái tiếng dùng người hiền, mà không có cái thực dùng người hiền, Người hiền khó tiến lên được là bởi thế. Lại còn một điều nữa: Vua ở ngôi cao, thường thích nghe nói những điều lầm lỗi của người hơn là của mình, thích làm vui sướng cho lòng mình hơn là cho lòng dân, người hiền muốn sửa đổi, can ngăn, để vua làm điều hay, thì cái thế thường là khó hợp, phương chi lại có những kẻ gian tà kiếm nhiều cách để hãm hại người hiền.— d) Trừ bỏ kẻ gian tà. Kẻ gian tà trong lòng thâm hiểm lại nhiều mưu chước khôn khéo: cách chiều chuộng tựa như là cung kính, cách ngon ngọt tựa như là thật-thà, cách dối-giá tựa như có thể tin được, cách dua nịnh tựa như có thể gần được. Nó cốt dò đón cái ý tứ của vua, mượn