Trang:Nho giáo 4 Trần Trọng Kim.pdf/190

Văn thư lưu trữ mở Wikisource
Trang này đã được hiệu đính, nhưng cần phải được phê chuẩn.

188
NHO-GIÁO


Chủ-ý là để dạy nho-học, nhưng vẫn bảo-thủ cái tục cũ của người Mãn-châu. Song vì cái nền học của người Mãn rất đơn sơ, và lại không có cái văn-minh cố hữu, cho nên dẫu muốn hạn-chế thế nào mặc lòng, lâu ngày người Mãn cũng bị cái văn-học của người Hán cảm hóa hết cả.

Cách mở-mang như thế, kể cũng đã rộng lắm, nhưng vì sự học chỉ bó buộc trong hai chữ văn-chương, mà nghĩa lý thì không được ra ngoài cái ý-kiến của họ Trình họ Chu, cho nên cái học-vấn của nhân-dân một ngày một hẹp lại. Đó cũng là bởi cái học khoa-cử mà ra.

Khoa-cử. — Khoa-cử đời nhà Thanh cũng như đời nhà Minh. Lệ cứ ba năm một lần thi. Những học-sinh ở Kinh và ở các phủ, châu, huyện, đỗ thi hương thì vào thi cả ở bộ Lễ, gọi là thi hội. Những người thi hội trúng cách thì được vào thi ở điện Thái-hòa, gọi là thi đình. Ai thi đình đỗ cao được tiến-sĩ cập-đệ và tiến-sĩ xuất-thân, ai đỗ thấp thì được đồng-tiến-sĩ xuất-thân.

Khoa-cử khởi đầu có từ đời vua Vũ-đế nhà Hán, nhưng thật thịnh-hành thì kể từ đời nhà Đường trở đi, đến cuối đời nhà Thanh, trước sau có hơn hai nghìn năm, là một cái chế-độ để kén chọn người ra làm quan lại.