a) HÁN-HỌC PHÁI
Nguyên từ cuối đời nhà Minh, các học-giả có nhiều người thấy sự học theo lối Tống-nho có nhiều điều sai lầm, lại nhân có cái ảnh-hưởng Tây-học của những giáo-sĩ đạo Gia-tô đem sang nước Tàu, các học-giả nhờ đó mà rộng cái kiến-thức ra và có cái phương-pháp khảo-cứu rất tinh-tường.
Vào khoảng năm Vạn-lịch (1572-1619) đời vua Thần-tôn nhà Minh có giáo-sĩ Lợi-Mã-Đậu (Mathieu Ricici) đã xướng lên cái thuyết nên tìm nghĩa sách ở trong nguyên văn, trong bọn sĩ-phu có người đã khuynh-hướng về mặt khảo-chứng, cho đời nhà Hán gần đời Xuân-thu và Chiến-quốc hơn đời nhà Tống, thì nên theo Hán-nho mà học, hơn là theo những lời chú-thích của Tống-nho. Bởi vậy, qua sang đời nhà Thanh, có bọn di-nho nhà Minh, vì danh nghĩa mà không ra làm quan, cứ ở nhà dạy học và làm sách, lập ra phái Hán-học. Phái ấy chủ ở sự nghiên-cứu các Kinh Truyện và các sách sử, tìm-tòi ở những sách cổ, suy xét lấy sự thực, nhận biết cái gì có nghĩa lý rất phải thì theo, cho nên mới gọi là khảo-